26 thg 11, 2013

Vay ngân hàng 50-100 triệu đồng để lấy vốn làm ăn

Ngân hàng thường nhìn vào hiệu quả của phương án kinh doanh nhiều hơn là tài sản thế chấp. Ngay cả không có “sổ đỏ”, bạn vẫn vay được vài chục triệu đồng để “dắt túi” làm ăn nếu có mức lương cố định và mục đích rõ ràng.

Chia sẻ gần đây trên chuyên mục Tiền của tôi của Phóng viên, không ít độc giả cho biết muốn mở cửa hàng tạp hóa, buôn bán quần áo, đồ cho mẹ và bé… trên mạng nhưng còn băn khoăn vì vốn liếng khá mỏng. Như bạn Bùi Trọng Nghĩa, hiện đang có quán Internet với 25 máy nay Nghĩa muốn vay ngân hàng để mở rộng kinh doanh thêm một quán nữa. Tương tự, Chị Phương (Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau khi nghỉ sinh con, chị dự tính vay thêm khoảng 50 triệu đồng để nhập hàng quần áo, đồ dùng từ Nhật về bán qua mạng, vừa tiện chăm con và có thu nhập.


Trên thực tế, đây đều là những nhu cầu vay vốn khá phổ biến và được các ngân hàng “rộng cửa” chào đón cho khách vay. Tuy nhiên, tùy vào khẩu vị rủi ro và số vốn người vay yêu cầu mà có ngân hàng cho vay tín chấp, có nhà băng lại yêu cầu phải có tài sản đảm bảo.


Nếu bạn có thu nhập cố định hàng tháng từ 8-10 triệu đồng và chỉ cần vay vài chục triệu để bổ sung vốn kinh doanh nhỏ lẻ, hình thức vay tín chấp có thể phù hợp. Ông Lê Anh Hưng, Trưởng phòng quản lý sản phẩm Khối Dịch vụ Tài chính cá nhân của HSBC – cho biết, nhà băng này sẵn sàng cho vay 50-250 triệu đồng theo hình thức tín chấp cho các khách hàng cá nhân. “Điều kiện là bạn phải có thu nhập trước thuế tối thiểu 8 triệu, hợp đồng lao động ít nhất một năm và làm việc tối thiểu 3 tháng theo hợp đồng này. Hạn mức giải ngân tối đa 10 lần thu nhập và thời hạn vay nhiều nhất là 4 năm”, ông Hưng cho biết.


Ngoài HSBC, nhiều ngân hàng nội địa khác cũng cho vay tín chấp theo hình thức và điều kiện khá tương tự. Tuy nhiên, bạn chỉ nên chọn hình thức này nếu chấp nhận chi phí vay lớn (do lãi suất thường cao hơn một chút) và thu nhập hàng tháng của bạn khá.


Ngược lại, nếu không có hưởng lương hàng tháng và không đủ điều kiện vay tín chấp, các hộ kinh doanh có thể thế chấp nhà đất hoặc chính cửa hàng đang hoạt động ổn định để vay vốn. Như ở Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) và nhiều đơn vị khác đều nhận cả bất động sản của cha mẹ vợ/ chồng, miễn có giấy tờ hợp pháp và sẵn sàng cho vay tối đa 70% giá trị tài sản đảm bảo. Đại diện VietBank cho biết hiện rất nhiều khách hàng cá nhân đã chọn cách này để bổ sung vốn lưu động như mua hàng hóa, nguyên vật liệu, trả lương, vay mở rộng – nâng cấp cơ sở kinh doanh v.v….


Ngoài nhận “sổ đỏ”, một số nơi còn nhận tài sản thế chấp là cửa hàng để hỗ trợ khách vay vốn. Trao đổi với VnExpress, ông Rahn Wood – Giám đốc Ngân hàng bán lẻ VIB – cho biết, 2 tháng cuối năm là giai đoạn cao điểm của mùa kinh doanh nên lãi suất tại ngân hàng cũng ưu đãi hơn. Ông tư vấn, nếu muốn vay tầm 50-100 triệu đồng để kinh doanh tại nhà, mở cửa hàng, bạn có thể vay tối đa từ một đến 3 năm theo hình thức bổ sung vốn kinh doanh hoặc theo kiểu đầu tư tài sản cố định (mua, thuê cửa hàng lâu năm trả tiền một lần)… “Các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh thu dưới 20 tỷ, tổng tài sản dưới 10-20 tỷ, không quá 10 lao động nộp bảo hiểm xã hội cũng nên vay kiểu này”, ông nói.


Bạn nên lên phương án kinh doanh kỹ càng trước khi vay vốn bởi đây là tiêu chí quan trọng nhất khiến các ngân hàng duyệt hồ sơ. Bạn nên lên phương án kinh doanh kỹ càng trước khi vay vốn bởi đây là tiêu chí quan trọng nhất khiến các ngân hàng duyệt hồ sơ.[/caption]


Trên thực tế, việc vay vốn làm ăn với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ được các ngân hàng đang tỏ ra rất hào hứng. Tuy nhiên, các nhà băng đều nhấn mạnh, họ quan tâm nhiều nhất tới tính khả thi trong các phương án vay vốn thay vì chỉ chăm chăm nhìn vào tài sản thế chấp và thu nhập. Một đại diện của VietBank khuyến cáo, trước khi vay cần lên phương án trả nợ, sử dụng vốn hiệu quả để nhanh chóng được giải ngân. “Nếu muốn mở cửa hàng, dù kinh doanh nhỏ lẻ bạn cũng nên chọn một địa điểm phù hợp (có thể là trên mạng), sau đó xác định khách hàng mục tiêu và những nguồn cung cấp nguyên vật liệu, hàng tốt nhất. Việc chuẩn bị nhân sự cũng như tham khảo thông tin từ nhiều nguồn rất quan trọng”, vị này tư vấn.


Để tránh sập những “bẫy” tín dụng không đáng có, một chuyên gia của VIB khuyên bạn nên tính toán sao cho hàng tháng vẫn tích lũy được khoảng 10-20% thu nhập sau khi đã trừ đi hết các khoản chi tiêu và trả nợ ngân hàng để tránh bị áp lực trả nợ.


Ngoài ra, một trong những sai lầm của nhiều người Việt Nam trong văn hóa tín dụng là khi vay vốn thì quá vội vàng, hào hứng mà không tìm hiểu kỹ lãi suất, thời hạn, cách tính phí phạt trước khi đặt bút ký các hợp đồng. Do đó, bạn nên nhớ, luôn phải tính toán thật kỹ càng trước khi thiết lập mối quan hệ tín dụng với bất cứ ai chứ không chỉ riêng với ngân hàng.


Theo vnexpress.vn



Vay ngân hàng 50-100 triệu đồng để lấy vốn làm ăn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét