6 thg 8, 2014

Truy tố hàng loạt cán bộ ngân hàng trong vụ lừa đảo trăm tỷ xảy ra tại công ty An Khang Cần thơ

Ngày 5/8, nguồn tin từ VKSND TP Cần Thơ cho biết, cơ quan này đã tống đạt cáo trạng truy tố đến 14 bị can liên quan đến vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty TNHH An Khang Cần Thơ.


diachitrusocongtyankhang


Theo đó, ông Nguyễn Hồng Quân (Giám đốc Cty) và con gái Nguyễn Thị Thu Sương (Phó giám đốc Cty) bị VKSND TP Cần Thơ truy tố tội lừa đảo chiếm đọat tài sản.Còn các cán bộ thuộc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Trà Nóc (Cần Thơ) gồm Trần Thị Phương (nguyên giám đốc), Võ Văn Phi (nguyên Trưởng phòng Khách hàng), Nguyễn Hoài Phương  (nguyên cán bộ phòng khách hàng) cùng Trần Việt Hải (nguyên phó giám đốc); Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) khu vực Cần Thơ – Hậu Giang có Lương Quang Minh (nguyên giám đốc), Nguyễn Thị Mai (nguyên trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu), Lâm Chí Công (nguyên phó trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu) và Nguyễn Minh Phục (nguyên cán bộ tín dụng) bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong họat động của các tổ chức tín dụng và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng số tiền mà cha con ông Quân lừa đảo chiếm đọat gần 200 tỉ đồng.


Trong quá trình làm Phó Giám đốc điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty bị thua lỗ, cần tiền phục vụ cho mục đích cá nhân nên Nguyễn Thị Thu Sương đã cùng đồng bọn làm giả, làm khống nhiều loại giấy tờ, tài liệu, lập khống báo cáo thuế, báo cáo tài chính, nâng khống số lượng hàng tồn kho, nợ phải thu, ký khống hợp đồng thu mua nguyên liệu, hợp đồng xuất khẩu… để làm thủ tục vay tiền các ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong quá trình cho Công ty TNHH An Khang vay vốn, các cán bộ ngân hàng VDB Việt Nam KV CT– HG và Ngân hàng VietinBank Chi nhánh Trà Nóc nắm rõ tất cả các quy trình, quy định nhưng đã có hành vi cố ý làm trái, vi phạm nhiều quy định về cho vay, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho hai ngân hàng trên với số tiền hàng trăm tỷ.

Ngoài ra, Sương còn làm khống 3 bộ chứng từ xuất khẩu để chiết khấu tại Ngân hàng TMCP An Bình chi nhánh Cần Thơ hơn 4,9 tỉ đồng, chiếm đoạt hơn 3,9 tỉ đồng; kê khống hàng tồn kho, làm thủ tục khống vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á chi nhánh Cần Thơ hơn 14,9 tỉ đồng; kê khống hàng tồn kho, làm thủ tục khống vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam chi nhánh Tây Đô hơn 11 tỉ đồng.

Dư luận đang đặt vấn đề, trong vụ án này mặc dù có tới năm ngân hàng bị lừa đảo với số tiền rất lớn nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ có 8 cán bộ của hai ngân hàng bị truy tố, trong đó các cán bộ của ngân hàng VDB được thay đổi tội danh theo hướng có lợi từ “Vi phạm qui định cho vay…” sang tội “Thiếu trách nhiệm…”.



Truy tố hàng loạt cán bộ ngân hàng trong vụ lừa đảo trăm tỷ xảy ra tại công ty An Khang Cần thơ

Khi "sếp" bị bắt, ngân hàng đối phó khủng hoảng thế nào?

Nhờ thực hiện nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp các biện pháp ứng phó với sự cố thanh khoản, đồng thời có sự hỗ trợ kịp thời của Ngân hàng Nhà nước và các đối tác, một số ngân hàng như Á Châu (ACB), Xây dựng (VNCB) đã đi qua khủng hoảng sau khi lãnh đạo cao cấp bị khởi tố, bắt giữ.


lanhdaonganhangxaydungbibat





Khách hàng ồ ạt rút tiền


Cuối tháng 7 vừa qua, thị trường tài chính không khỏi bất ngờ trước thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ba lãnh đạo cao cấp của Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, gồm: Ông Phạm Công Danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Phan Thành Mai, thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc và ông Mai Hữu Khương, thành viên HĐQT, phụ trách tài chính, do cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


Cả ba bị can trong vụ án này nguyên là nhân sự chủ chốt của Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) với các chức danh tương ứng: Chủ tịch HĐQT; thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc và thành viên HĐQT, phụ trách tài chính. Mặc dù cả ba người đã bị miễn nhiệm khỏi các vị trí nói trên tại VNCB trước khi bị bắt, song ngân hàng vẫn không khỏi bị ảnh hưởng.


Theo thông tin đăng tải trên Thời báo Ngân hàng – cơ quan của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong ngày đầu tiên Cơ quan Cảnh sát điều tra đưa ra thông tin, VNCB đã bị rút khoảng 1.000 tỷ đồng và tiếp tục bị rút ra trong ngày kế tiếp, song khối lượng đã giảm xuống 50%.


VNCB không phải ngân hàng đầu tiên rơi vào tình trạng khách hàng đổ xô đến rút tiền khi hay tin lãnh đạo bị khởi tố, bắt giữ. Trước đó, ngày 23/8/2012, Tổng Giám đốc ngân hàng ACB Lý Xuân Hải cũng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an bắt giữ về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngay lập tức, ACB rơi vào tình trạng khách hàng ồ ạt đến rút tiền, mà theo tân Tổng Giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn, “đỉnh điểm của sự cố là lượng tiền rút ra trong một ngày tới khoảng 6.000 tỷ đồng”!.


Đi qua khủng hoảng


Trong bối cảnh cả thị trường tài chính rúng động, khách hàng ồ ạt đến rút tiền, song chỉ đến 25/8, hoạt động của ACB đã cơ bản ổn định trở lại. Kết quả này, theo Tổng Giám đốc Đỗ Minh Toàn, đó là nhờ ngay từ đầu năm 2012, ACB đã xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố thanh khoản theo những tình huống, cấp độ khác nhau cho từng bộ phận, từng nhân viên, nhờ vậy sự cố vừa qua đã được giải quyết mạch lạc, ổn thoả.


Do đã chuẩn bị cả về tâm lý, giải pháp và nguồn lực, nên tại thời điểm đó, ACB mới chỉ sử dụng đến tiền vay trên thị trường mở OMO mà chưa phải dùng tới tiền tái cấp vốn đặc biệt của NHNN. Và chỉ sau chưa đầy một tuần, lượng tiền rút ra đã giảm mạnh, trong đó, một số khách hàng rút ra rồi lại mang đến gửi lại.


Diễn biến tại VNCB cũng như trên thị trường tài chính, tiền tệ tuần qua cũng cho thấy sự cố liên quan đến ngân hàng này đã được xử lý khá tích cực, chủ động. Ngày 28/7, một ngày trước khi vụ án bị khởi tố, VNCB công bố đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc đối với ông Phạm Công Danh và ông Phan Thành Mai; đồng thời hoàn thành việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp cao thay thế: Bà Vũ Bạch Yến – thành viên HĐQT được bầu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị; ông Đàm Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc phụ trách khu vực Hà Nội được bầu là Phó Tổng Giám đốc phụ trách.


VNCB cam kết, với sự hỗ trợ tối đa của NHNN, ngân hàng đã chuẩn bị sẵn sàng đảm bảo thanh khoản; tiền gửi của các tổ chức, cá nhân tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam đảm bảo an toàn trong mọi trường hợp.


Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 31/7, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, NHNN đã và đang tiếp tục giám sát để chỉ đạo điều hành đảm bảo VNCB hoạt động bình thường, không để xảy ra những yếu tố bất lợi tới VNCB và hoạt động của hệ thống ngân hàng, đồng thời khuyến cáo người gửi tiền không nên nôn nóng rút tiền ở VNCB.



Theo Giao thông vận tải.



Khi "sếp" bị bắt, ngân hàng đối phó khủng hoảng thế nào?

Nhà thu nhập thấp giở "chiêu" mánh khoé, Phó chủ tịch HN bắt bài doanh nghiệp

“Lúc thị trường lạnh thì các anh xin chuyển thành nhà thu nhập thấp, khi BĐS nóng lên lại chuyển sang nhà thương mại. Kiểu “câu giờ” này không ai lạ gì nữa đâu, các anh lo mà làm cho đúng đi”.


nha-thu-nhap-thap-gio-manh-khoe





Nhà thu nhập thấp vẫn hoành tráng bể bơi, rạp chiếu phim…


Với chủ trương cho phép chuyển đổi mô hình, nhiều dự án trên địa bàn thủ đô đã chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà thu nhập thấp để được hưởng ưu đãi. Dù nhiều dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp đang chậm tiến độ, nhưng tại buổi làm việc với lãnh đạo Hà Nội sáng 30/7, các chủ đầu tư vẫn tự tin khẳng định sẽ đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.


Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp Thanh Lâm – Đại Thịnh do HUD làm chủ đầu tư đang chậm tiến độ, dù đã có đất sạch nhưng dự án vẫn chưa được triển khai. Dự án này có tổng diện tích 5,2 ha, với 6 tòa nhà 9 tầng. Hiện tại chủ đầu tư đang phối hợp với Sở QH&KT điều chỉnh lại quy hoạch. Mặc dù tiến độ đang rất chậm so với kế hoạch, song phía HUD vẫn khẳng định “chỉ là chậm trong giai đoạn đầu nhưng sẽ hoàn thành vào đầu năm 2017 như kế hoạch đề ra”.


Còn với 2 tòa nhà thu nhập thấp ở khu đô thị Sài Đồng, chủ đầu tư Hanco 3 cam kết sẽ bắt đầu khởi công trong quý 4/2014, và sẽ hoàn thành trong quý 2/2016 với tổng mức đầu tư 126 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư của dự án còn khiến Sở Xây dựng nổi cáu ngay tại buổi làm việc vì ngây ngô đến mức làm ngược các quy trình về khảo sát, thăm dò, xin chủ trương đầu tư…


Một dự án khác ở khu Bắc An Khánh, với diện tích 18,5 ha cũng đang gây nhức nhối, vì dự án đã để “treo” rất nhiều năm nay gây rất lãng phí và làm xấu bộ mặt thủ đô.


Cũng có dự án, mặc dù chỉ là nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, nhưng lại được đầu tư với các loại hình dịch vụ rất hoành tráng. Điển hình như ở Tây Nam Linh Đàm với 3 tòa nhà dành cho người có thu nhập thấp do Công ty cổ phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư.


Về tiến độ, dự án tại Tây Nam Linh Đàm đang trong giai đoạn làm móng, đến đầu năm 2016 sẽ hoàn tất và bàn giao nhà. Phía chủ đầu tư cho biết dự án “không gặp khó khăn gì” và cam kết sẽ đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.


Mặc dù chỉ là nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhưng chủ đầu tư cho biết, dự án này sẽ được triển khai tương đương như nhà ở thương mại, với đầy đủ các dịch vụ khu vui chơi giải trí, bể bơi, rạp chiếu phim…


Lập đoàn kiểm tra liên hành để hậu kiểm


Với chính sách chuyển đổi, hiện Hà Nội đang có 7 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được ưu đãi miễn tiền sử dụng đất. Trong lúc nguồn lực của TP đang khó khăn, nhưng Hà Nội vẫn cho phép chuyển đổi từ nhà thương mại xuống nhà thu nhập thấp, mục đích để người dân hưởng lợi.


Tuy nhiên việc chủ đầu tư “ngâm” dự án quá lâu sẽ khiến chủ trương này mất đi giá trị. Phía Sở Tài chính đề nghị TP phải kiên quyết và có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án chậm tiến độ, tránh lãng phí mà người dân lại không được hưởng lợi.


Có cùng quan điểm, Sở Xây dựng và Sở TN&MT Hà Nội đề nghị TP, nếu chủ đầu tư nào không đáp ứng được nhu cầu sẽ thu hồi dự án để chuyển sang cho chủ đầu tư khác làm.


Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn đề nghị các DN khi đăng ký số lượng cũng như người tham gia mua thì phải chuyển danh sách lên Sở để đăng công khai trên website. Để đảm bảo sự minh bạch, ông Tuấn cũng đề nghị TP thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để hậu kiểm xem việc mua bán đã đúng đối tượng chưa? Dự án có đảm bảo tiến độ không? Thực tế đã có những trường hợp có nhu cầu thực nhưng lại không mua được, ngược lại cũng có người đăng ký mua ở cả 2 dự án khác nhau.


Với nhiều chính sách ưu ái khi chuyển đổi mục đích sử dụng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các chủ đầu tư phải cam kết với TP về tiến độ triển khai dự án. Ngoài ra các chủ đầu tư cũng cần phải xem xét kỹ, với nhà ở dành cho người thu nhập thấp thì có cần thiết phải có những dịch vụ cao cấp không.


Ông Tuấn cũng đồng tình với chủ trương, nếu chủ đầu tư nào không làm tốt sẽ xem xét thu hồi, và sẽ phải thu hồi 1 – 2 dự án để DN thấy Hà Nội “nói là làm”, chứ không phải nói rồi để đấy.


Phó Chủ tịch Hà Nội cũng đồng ý sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các khẩu, đặt biệt sẽ tập trung thẩm định về mặt tiến độ, tránh tình trạng DN lòng vòng “câu giờ” để kéo dài tiến độ.


“Lúc thị trường lạnh thì các anh xin chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà thu nhập thấp để hưởng ưu đãi. Nhưng lúc thị trường ấm lên lại chuyển từ nhà thu nhập thấp sang nhà thương mại để kiếm lời. Kiểu “câu giờ” để kéo dài tiến độ này không ai còn lạ gì nữa. Vì thế các anh tập trung mà làm cho đúng đi” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn “bắt bài”.



Theo Infonet.vn



Nhà thu nhập thấp giở "chiêu" mánh khoé, Phó chủ tịch HN bắt bài doanh nghiệp

5 Ngành nghề "hot" có thu nhập cao nhất đã đi vào quên lãng tại Việt nam

Từng là công việc “hot” và cho thu nhập mơ ước tại Việt Nam, theo thời gian, những nghề dưới đây dần trở thành dĩ vãng vì khó khăn của nền kinh tế.





Nhân viên ngân hàng.


nhanviennganhang 01


Năm 2011, thời điểm Vietcombank công bố mức thu nhập tối thiều bình quân của nhân viên là 21,1 triệu đồng/tháng thì ngành ngân hàng được xem là ngành cho thu nhập cao bậc nhất thời bấy giờ. Do khó khăn của nền kinh tế, yêu cầu tái cấu trúc ngân hàng, hiện nay thu nhập bình quân tối thiểu của hầu hết ngân hàng được đã giảm xuống đáng kể.


Báo cáo tài chính quý I/2014 của 14 ngân hàng đã công bố cho thấy, thu nhập bình quân tháng của các nhân viên phần lớn chỉ còn 10 triệu đồng. Cùng với sự cạnh tranh quyết liệt trong giới ngân hàng, thì để đạt được mức thu nhập kể trên các nhân viên ngân hàng chịu không ít áp lực về định mức doanh thu. Do vậy, để có được thu nhập cao như mức trên 21 triệu đồng của vài năm trước đây cũng không phải là điều dễ dàng với mỗi nhân viên ngân hàng tại thời điểm này.


Nhân viên công ty chứng khoán.


nhanvienchungkhoan 02


Hình ảnh vác bao tải tiền từ sàn chứng khoán về nhà đã rất phổ biến từ những năm 2005 – 2007 khi thị trường chứng khoán phát triển đến mức cực thịnh. Người người đổ xô chơi chứng khoán, nhà nhà cùng chơi chứng khoán. Thời điểm đó, được làm nhân viên công ty chứng khoán là quyết tâm của nhiều bạn trẻ mới ra trường, khi thu nhập lên đến hàng chục triệu mỗi tháng, chưa kể việc chơi chứng khoán cũng giúp họ mua được nhà, xe cộ.


Từ năm 2008 -2009 kinh tế thế giới suy thoái, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình vĩ mô kinh tế trong nước. Đặc biệt thời điểm 24/2/2009, Vn-Index tuột dốc xuống 235,5 điểm. Giao dịch rơi cảnh chợ chiều, không ai thiết tha mua bán, số phiên có khối lượng giao dịch vượt 30 triệu chứng khoán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thị trường chứng khoán rơi vào tình cảnh ảm đạm, các công ty chứng khoán lỗ liên tục khiến nhiều nhân viên thất nghiệp hoặc phải chuyển sang các nghành nghề khác.


“Cò” bất động sản.


conhadat 03


Một nghề ăn theo của sự tăng trưởng nóng thị trường bất động sản Việt Nam. Năm 2009 – 2010 có thể xem là thời gian vàng son của nghề “cò” bất động sản. Với mỗi mảnh đất, căn nhà được giao dịch mua bán thành công, mỗi “cò” cũng kiếm được vài chục triệu cho đến cả trăm triệu tùy vào giá trị bất động sản. Tuy nhiên, thời điểm này,sau 3 năm thị trường bất động đóng băng, nghề “cò” cũng rơi vào tình cảnh khó khăn thê thảm.


Môi giới xuất khẩu lao động.


xuatkhaulaodong 04


Hơn 10 năm trước, khi nhu cầu xuất khẩu lao động sang một số nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản,… tăng cao, nghề môi giới lao động cũng từ đó mà nở rộ. Với mỗi trường hợp xuất ngoại thành công, mỗi “cò” có thể kiếm được 3 – 7% tổng số tiền mà lao động phải bỏ ra. Đơn giá thông thường cho mỗi cá nhân xuất ngoại từ 1.500 đến 9.500USD tùy thị trường và tùy các thủ tục cần thiết. Tính ra, “cò” cũng kiếm được từ 20 triệu đến trăm triệu. Do vậy suốt thời gian dài, nghề này nở rộ và mọc nhanh như nấm. Tuy nhiên, hiện nay thị trường xuất khẩu lao động đang chững lại do đó, thu nhập ‘khủng’ của môi giới xuất khẩu lao động cũng từ đó mà giảm sút.


Hướng dẫn viên du lịch.


huongdanviendulich 05


Khách du lịch ngày càng dựa vào internet để chuẩn bị cho mình trước mỗi chuyến đi. Ngoài ra, du khách ngày nay thích khám phá hơn, có đủ điều kiện và trang thiết bị để tự đi một mình thay vì phải bó mình trong các tour cố định theo ý các đại lý. Do vậy, không chỉ giảm thu nhập mà nghề hướng dẫn viên du lịch chắc chắn sẽ giảm nghiêm trọng trong tương lai, bất chấp những nỗ lực tự đổi mới mình củanhững người làm nghề này.



Theo zing.vn



5 Ngành nghề "hot" có thu nhập cao nhất đã đi vào quên lãng tại Việt nam

3 thg 8, 2014

Ngân Hàng HSBC Việt Nam bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý nghiêm

Báo cáo Kiểm toán năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước công bố cho biết, cơ quan này đã có công văn đề nghị NHNN Việt Nam thanh tra, giám sát và có biện phát xử lý nghiêm đối với một số ngân hàng.


hsbc-bi-kiem-toan-phat


Theo kế hoạch kiểm toán năm 2013, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm tra 32 doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng. Liên quan đến kiểm toán chi ngân sách nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 22.821,3 tỷ đồng. Trong đó tăng thu ngân sách nhà nước là 3.850 tỷ đồng, giảm chi ngân sách nhà nước là 4.833 tỷ đồng.


Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, thanh tra để điều tra, thanh tra và xử lý theo quy định của pháp luật, cung cấp 13 bộ hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra và cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm để xử lý theo quy định của pháp luật đối với 31 cá nhân và tập thể có liên quan.


Cụ thể, ngày 04/02/2013, Kiểm toán Nhà nước đã có công văn số 101/KTNN-TH đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thanh tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm đối với một số ngân hàng gồm Ngân hàng ChinaTrust Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam, Ngân hàng TMCP Eximbank, Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Đông Đô, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển thành phố Cần Thơ – Phòng giao dịch Khu công nghiệp Trà Nóc.


Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn có công văn đề nghị làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tập thể liên quan đến những sai phạm tại Công ty Tài chính cổ phần Sông Đà, một số đơn vị thành viên của Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam – Seaprodex, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Tp.Hồ Chí Minh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Bình Phú…



Ngân Hàng HSBC Việt Nam bị Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý nghiêm

2 thg 8, 2014

Phạt tù chung thân giám đốc chiếm đoạt 50 tỷ đồng của BIDV

Liên quan đến vụ án, 3 bị cáo khác nguyên cán bộ lãnh đạo Ngân hàng BIDV cũng bị phạt tù.


phat-tu-chung-than-giam-doc-bidv


Sau một ngày xét xử căng thẳng, chiều tối 31/7, TAND TP HCM đã tuyên phạt Nguyễn Văn Hồng (SN 1957, nguyên Giám đốc (GĐ) Công ty TNHH TM- DV- DL Hải Hồng Hà) tù chung thân về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.


Liên quan đến vụ án, 3 bị cáo nguyên cán bộ lãnh đạo Ngân hàng BIDV gồm Lê Tấn Đô (SN 1956, nguyên GĐ phòng giao dịch Bình Chánh- BIDV Tân Tạo) lãnh 13 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Phạm Hoàng Hồ (SN 1972, nguyên cán bộ Phòng Giao dịch Bình Chánh – BIDV Tân Tạo) 10 năm tù về tội “vi phạm quy định cho vay…” và Phạm Quốc Hùng (SN 1956, nguyên GĐ Ngân hàng BIDV Tân Tạo; được xét xử vắng mặt) 3 năm tù treo về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.


Theo cáo trạng, từ năm 2003-2006, Nguyễn Văn Hồng lần lượt đứng tên thành lập DNTN Hồng Hà và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Du lịch Hải Hồng Hà. Đến năm 2005, thông qua pháp nhân DNTN Hồng Hà, Hồng ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng BIDV- Chi nhánh Tân Tạo làm thủ tục vay tại phòng giao dịch Bình Chánh với tổng số tiền 39,7 tỷ đồng.


Để đảm bảo cho các khoản vay này, Hồng thế chấp cho ngân hàng nhiều tài sản khác nhau, trong đó có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 6.292m2 tại số 15bis Nguyễn Ngọc Cung, phường 16, quận 8 và được ngân hàng đăng ký đảm bảo tại Trung tâm Thông tin tài nguyên, môi trường và đăng ký nhà đất- Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM. Đến cuối năm 2007, các khoản vay trên đã quá hạn trả nợ nhưng Hồng chỉ trả được 6 tỷ đồng tiền gốc.


Để tránh nợ xấu cho ngân hàng, Lê Tấn Đô (GĐ Phòng giao dịch Bình Chánh) đã bàn bạc và đề nghị Hồng làm thủ tục vay thêm của Ngân hàng BIDV- CN Tân Tạo 50 tỷ đồng để đảo nợ cho các khoản nợ trên. Để có phương án vay vốn đảo nợ, Đô và Hồng đã bàn bạc ký hợp đồng bán khống lô đất số 15bis Nguyễn Ngọc Cung (đang thế chấp tại ngân hàng) cho Công ty Hải Hồng Hà (cũng là công ty của Hồng) với giá trên 100 tỷ đồng.


Sau 6 tháng, khoản vay 50 tỷ đồng đến hạn trả nhưng Hồng không có tiền trả nợ cũng không thực hiện các thủ tục sang tên lô đất trên cho Công ty Hải Hồng Hà để ngân hàng tiến hành công chứng hợp đồng thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định.


 Tuy nhiên, kể từ ngày hết hạn vào ngày 25/6/2008, Hồ và Đô đã lập báo cáo đề xuất và được Hùng ký duyệt cho công ty Hải Hồng Hà gia hạn nợ 3 lần nhưng không hoàn tất các thủ tục về tài sản đảm bảo. Đến tháng 3/2009, Đô chủ động đề nghị Hồng lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp tại BIDV- CN Tân Tạo mang đi thế chấp vay tiền của ngân hàng khác để đáo hạn khoản vay 50 tỷ đồng của Công ty Hải Hồng Hà, đồng thời có tiền để trả các khoản nợ khác bên ngoài.


Từ phương án vay vốn trên, Đô chỉ đạo cho Phạm Hoàng Hồ (cán bộ tín dụng) hỗ trợ cho Hồng làm các thủ tục hợp thức hóa việc vay vốn của Công ty Hải Hồng Hà. Do số tiền vay 50 tỷ đồng vượt hạn mức cấp tín dụng của Phòng giao dịch nên trên cơ sở báo cáo thẩm định do Hồ lập, Đô ký đề xuất và được Phạm Quốc Hùng (GĐ chi nhánh) ký đồng ý và đưa ra hội đồng tín dụng chi nhánh xem xét, quyết định.


Đến cuối tháng 12/2007, hội đồng tín dụng chi nhánh BIDV Tân Tạo tiến hành họp và đồng ý cho Công ty Hải Hồng Hà vay số tiền 50 tỷ đồng trong thời hạn 6 tháng. Sau khi giải ngân được số tiền 50 tỷ đồng, ngân hàng đã tiến hành thu hồi vốn và lãi đối với khoản vay cũ (bao gồm nợ gốc, lãi, lãi phạt quá hạn) tổng cộng hơn 41,4 tỷ đồng, qua đó hoàn tất việc đảo nợ. Số tiền còn lại hơn 8,5 tỷ đồng Hồng rút ra sử dụng cá nhân.


Thực hiện thỏa thuận, Đô chỉ đạo Hồ lập tờ trình gửi chi nhánh BIDV Tân Tạo về việc cho Hồng mượn tài sản đảm bảo và được Hùng tiếp tục ký đồng ý. Nhận được giấy tờ đất Đô giao, Hồng đã tiến hành các thủ tục đăng bộ, sang tên cho Công ty Hải Hồng Hà sau đó đem vào thế chấp cho Phòng giao dịch Linh Tây – Ngân hàng NN&PTNT (Agribank)- CN Thủ Đức vay 100 tỷ đồng trong thời hạn 24 tháng với mục đích để đầu tư xây dựng chung cư cao tầng. Sau khi được Agribank- CN Thủ Đức giải ngân 100 tỷ đồng, Hồng không tất toán khoản vay 50 tỷ đồng cho BIDV như thỏa thuận ban đầu với Đô mà sử dụng hết vào mục đích cá nhân.


Từ hành vi của Đô và Hồng, dẫn đến Ngân hàng BIDV- CN Tân Tạo mất tài sản đảm bảo, không còn khả năng thu hồi nợ gốc và lãi đối với khoản vay 50 tỷ đồng của Công ty Hải Hồng Hà.



Phạt tù chung thân giám đốc chiếm đoạt 50 tỷ đồng của BIDV

Kinh tế Nga khủng hoảng sau thảm họa máy bay rơi của Malaysia


Sau thảm kịch máy bay Malaysia và trước sức ép của Hà Lan, nước có nhiều công dân thiệt mạng nhất, ngày 22/7, ngoại trưởng các nước EU đã nhất trí mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga và xem xét áp đặt các biện pháp cứng rắn hơn, nhằm vào cả lĩnh vực quốc phòng.



Trong đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào hàng loạt thể chế và lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế Nga gồm: hai công ty năng lượng lớn, hai thể chế tài chính khổng lồ, tám công ty sản xuất vũ khí và bốn cá nhân. Các công ty nằm trong danh sách bị trừng phạt bị cấm tiếp cận thị trường vốn của Mỹ.


Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết các mục tiêu trừng phạt là có chọn lọc nhằm gây tác động tối đa đối với Nga trong khi hạn chế đến mức tối thiểu những ảnh hưởng đối với các công ty của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu. Ông Obama tuyên bố sẽ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Nga không có các biện pháp cụ thể để hạ nhiệt tình hình Ukraine.


Ngay cả trước khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt mới cứng rắn tuần trước, kinh tế của Nga đã đứng trước nhiều rủi ro lớn. Sau 15 năm tăng trưởng mạnh do giá hàng hóa tăng cao, nền kinh tế nước này đang trên đà suy thoái. Tăng trưởng chậm lại đến 0,5% trong quý đầu tiên, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 5%, và lạm phát vượt quá 7%; chỉ số chứng khoán chính Micex giảm 7% kể từ ngày 17/7…


Một báo cáo mới của Morgan Stanley chỉ ra thêm nhiều thiệt hại do các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra đối với kinh tế Nga. Nước này sẽ cần 157 tỷ USD trong bốn quý tiếp theo để trả nợ. Do bị cấm tại thị trường Mỹ và nhiều nước phương Tây, các công ty, ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước Nga sẽ phải tìm vốn ở thị trường khác.


Theo phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson: “Các ngân hàng Nga và Trung Quốc có thể bù đắp một chút, nhưng tất cả chỉ có vậy”. Các biện pháp trừng phạt mới đến vào thời điểm nhiều công ty, ngân hàng và cơ quan nhà nước Nga đang phải đối mặt với các khoản thanh toán nợ khá lớn trong năm tới. Chỉ riêng trong tháng 12, số tiền phải trả nợ nước ngoài đã lên tới 35 tỷ USD.


Báo cáo của Morgan Stanley dự báo rằng sự kết hợp này có thể là đủ để đẩy Nga vào suy thoái vào cuối năm 2014, cho dù giá dầu tăng cao có thể giúp kinh tế Nga có khoản bù đắp. Ngày 24/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đây chống lại Nga có thể tác động tiêu cực tới khu vực. Đặc biệt khi Liên minh Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Nga đồng thời cũng là khách hàng lớn nhất về dầu mỏ và khí tự nhiên.


trung-phat-kinh-te-nga


Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn IMF William Murray nói: “Ở tầm khu vực, chắc hẳn (các biện pháp trừng phạt Nga) sẽ có một số ảnh hưởng”, đặc biệt là về thương mại. Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo GDP của Nga có thể sẽ giảm 1,8% trong năm nay. Trước đó, theo Reuters, Thứ trưởng Kinh tế Nga Sergei Belyakov khẳng định có những “dấu hiệu rõ ràng” cho thấy kinh tế Nga đang trong khủng hoảng.


Mặc dù Nga vẫn là một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nền kinh tế Nga có tới 477 tỷ USD dự trữ ngoại tệ, nhưng các biện pháp trừng phạt vẫn có thể ảnh hưởng rất nặng nề và có một vấn đề quan trọng hơn, đó là tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Andrei Konoplyanik, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Gazprom cho biết ông rất lo lắng khi chỉ số xếp hạng bị hạ và dự đoán rằng “nó ngay lập tức khiến cho cộng đồng đầu tư thêm lo lắng”.


Nước Nga có thể không cần sụ ủng hộ từ nước ngoài nhưng lại rất cần tiền của nước ngoài. Đã có hơn 63 tỷ USD đã được chuyển đổi từ đồng rúp sang ngoại tệ mạnh và chảy ra khỏi đất nước trong quý đầu tiên của năm nay. Nếu dòng chảy vốn ra nước ngoài tiếp tục tăng, Nga có thể dễ dàng vượt qua mức tổn thất đỉnh cao 120 tỷ USD trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cách đây 6 năm.


Trong một bài phát biểu vào năm 2008, khi đặt mục tiêu của nước Nga tới năm 2020, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố: “Chúng tôi là một đất nước tự cung tự cấp và chúng tôi không có ý định đóng cửa với thế giới và sống trong sự cô lập”. Ông Putin đã chọn lựa như vậy nhưng liệu khủng hoảng hiện thời của Nga có đưa ông đến đích của chọn lựa này?




Kinh tế Nga khủng hoảng sau thảm họa máy bay rơi của Malaysia

Hướng dẫn sử dụng thẻ tín dụng đúng cách giúp bạn ít tốn các loại phí ngân hàng

Sử dụng thẻ Visa đúng cách đem lại nhiều lợi ích cho người dùng nhưng nếu hiểu biết không đầy đủ thì khách hàng sẽ phải chịu nhiều loại phí cao.


Theo các ngân hàng thương mại (NHTM), tính từ đầu năm đến nay số lượng thẻ được phát hành tăng 10%-20% so với cùng kỳ. Cùng với nhiều loại thẻ thì gần đây thẻ Visa cũng được nhiều NH khai thác triệt để. Số lượng thẻ ngày một tăng nhưng không phải ai cũng sử dụng thẻ hiệu quả.


huong dan su dung the tin dung


Khách hàng lơ là về phí sử dụng


ông Vũ Trường Sơn, quận 2 (TP.HCM) cho biết sau khi được VietinBank Chi nhánh Nam Sài Gòn mở thẻ tín dụng với hạn mức 50 triệu đồng (khách hàng được rút 25 triệu đồng tiền mặt), ông rút 10 triệu đồng và bị tính phí cho năm lần rút là 400.000 đồng. “NH quy định chỉ được rút tối đa 2 triệu đồng/lần và mỗi lần phí rút tiền là 80.000 đồng. Mức phí này quá cao nên tôi đã yêu cầu NH hủy thẻ Visa này. Mặc dù đã trả thẻ lại cho NH nhưng họ vẫn yêu cầu tôi phải ký quỹ 10 triệu đồng, nghĩa là giữ lại 10 triệu đồng trong thẻ ATM khác của tôi để chờ sau 45 ngày xem có phát sinh không mới trả lại” – ông Sơn nói.


Ông Sơn cũng thừa nhận các quy định về phí NH đều có đưa ra để khách hàng đọc nhưng thường khách hàng rất ít khi xem và có xem thì cũng không hiểu kỹ cho đến khi bị tính phí cao mới tá hỏa.


Đây không phải trường hợp ngoại lệ, nhiều khách hàng cho hay sau khi được mở thẻ Visa để thanh toán, nhân viên NH thường không nói rõ về phí, lãi suất… mà thường đưa một bảng biểu các loại phí để khách hàng nghiên cứu.


Thậm chí có nhiều khách hàng, như bà L.Thy ở quận 7, nghĩ rằng mình mới dùng thẻ trả hóa đơn 2 triệu đồng thôi nên chậm thanh toán. Khi gia đình có việc phải đi vay vốn thì NH cho biết bà có nợ xấu, phải đưa lên CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng của NHNN) nên NH không thể cho vay. Muốn được vay vốn bà phải trả hết nợ xấu để gỡ tên mình ra khỏi CIC. Song muốn gỡ được thông tin này phải mất ba năm.


Phí rút tiền 80.000 đồng/lần


Theo ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính, khách hàng khi đã sử dụng thẻ tín dụng phải nhớ: Trên lý thuyết, khách hàng được miễn lãi suất tối đa 45 ngày. Nhưng nếu khách hàng không thanh toán hết 100% số tiền đã dùng đúng hạn thì mức lãi suất được tính rất cao và thường trên 20%/năm. Tuy nhiên, lãi suất này không phải được tính từ ngày trả chậm mà từ ngày khách hàng cà thẻ thanh toán. “Một khoản khác mà khách hàng ít biết là phí phạt chậm thanh toán. Cũng như việc rút tiền mặt, ngoài lãi suất cao khách hàng còn phải mất phí rút tiền. Phí rút tiền từ thẻ tín dụng rất cao, thường là 80.000 đồng/lần rút tiền, tùy NH ” – ông Minh nói.


Một chuyên gia tài chính cho hay lãi suất chậm thanh toán với thẻ Visa thấp nhất 16%-30%/năm.


Theo ông Minh, NH đã có khoản phí thường niên thẻ tín dụng… . theo nghiên cứu có tới 90% khách hàng tiếp tục sử dụng thẻ sang năm thứ hai. Phí thường niên với loại thẻ này từ vài trăm ngàn đồng đến 1 triệu đồng/năm. Nếu chỉ với 1 triệu khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nhân với trung bình 500.000 đồng phí thường niên/người, NH sẽ thu về 500 tỉ đồng/năm. Số tiền này NH sẽ làm các nghiệp vụ của mình để sao cho tăng thêm lợi nhuận. Bởi vậy NH đã cho khách hàng được sử dụng tiền với lãi suất bằng 0% trong 45 ngày.


Hầu hết các chuyên gia cho rằng việc tính phí rút tiền, lãi suất cao với thẻ tín dụng là đúng mục đích của thẻ Visa nhằm khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.


̉ dụng đúng cách được nhiều ưu đãi


Lãnh đạo một NH thừa nhận lợi nhuận từ NH nước ngoài đa số nằm ở dịch vụ, trong đó có việc phát hành thẻ tín dụng. Và việc phát hành thẻ tín dụng được các NH nước ngoài làm rất tốt. Mấy năm gần đây các NH Việt Nam mới nhận thấy mảnh đất béo bở này và đang nỗ lực phát triển. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có vài NH thành công trong việc phát hành thẻ Visa như Sacombank, Techcombank, Dongabank…


Ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết số lượng thẻ nói chung tại Sacombank tăng khoảng 20% so với đầu năm.


Ông Khang cho rằng hiểu và sử dụng thẻ Visa đúng cách đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng. Người sử dụng không phải đem nhiều tiền mặt theo bên mình sẽ giảm được rủi ro do nạn cướp giật, trộm cắp. Người sử dụng thẻ còn có thể xem lại lịch sử giao dịch bằng thẻ của mình, quản lý việc chi tiêu hợp lý hơn. Thẻ Visa được liên kết với nhiều hệ thống mua sắm, ăn uống… nên được ưu đãi, giảm giá, rất có lợi cho khách hàng. Khách hàng được thanh toán trước, không bị tính lãi trong thời gian 45 ngày. Đặc biệt với các thẻ Visa quốc tế, khách hàng khi thực hiện rút tiền hoặc thanh toán ở nước ngoài, tiền được tự động quy đổi thành đơn vị tiền tệ của nước đó nên người sử dụng không phải mất thời gian đổi tiền.


Thẻ tín dụng liên tục tăng


Theo số liệu của Vụ Thanh toán – NHNN, tính đến cuối tháng 10-2013, cả nước đã có gần 64 triệu thẻ tín dụng. Trong đó, thẻ ghi nợ chiếm 92,4%, thẻ tín dụng chiếm 3,6%. Theo các NHTM, tính từ đầu năm đến nay số lượng thẻ tăng 10%-20% so với cùng kỳ.


NH nên thông báo để khách hàng hiểu thế nào là nợ quá hạn. Chẳng hạn nếu chậm thanh toán 1-10 ngày thì gọi là nợ nhóm một, chỉ mới bị NH nhắc nhở nộp tiền. Nợ nhóm hai 10-90 ngày. Nợ nhóm ba là từ trên 90 ngày. Nhóm này được coi là nợ xấu và đưa lên CIC (Trung tâm Thông tin tín dụng của NHNN) rồi.


Ông HUỲNH TRUNG MINH, chuyên gia tài chính



Hướng dẫn sử dụng thẻ tín dụng đúng cách giúp bạn ít tốn các loại phí ngân hàng

26 thg 7, 2014

Khởi tố bắt giam 8 cán bộ Ngân hàng TMCP Việt Á - chi nhánh Bạc Liêu

Ngày 25.7, ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bạc Liêu cho biết Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa triển khai quyết định khởi tố bị can 2 cán bộ của Ngân hàng TMCP Việt Á – chi nhánh Bạc Liêu.


vieta-baclieu


Theo đó, chiều 24.7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an triển khai các quyết định khởi tố bị can, đồng thời khám xét nơi ở và nơi làm việc đối với bà Lê Thị Mỹ Diễm, nhân viên phụ trách Quan hệ khách hàng, Phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Việt Á Hoàng Văn Thụ, phường 3, TP.Bạc Liêu, trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Á – chi nhánh tỉnh Bạc Liêu, và bà Mã Ngọc Kim Chi, thủ quỹ Ngân hàng TMCP Việt Á – chi nhánh tỉnh Bạc Liêu.


Cả hai cán bộ ngân hàng trên bị khởi tố cùng về hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.


Chi và Diễm được Cơ quan CSĐT cho tại ngoại để chờ phục vụ điều tra sau, do đang mang thai và có con nhỏ.


Theo ông Bình, liên quan đến sai phạm xảy ra tại Ngân hàng TMCP Việt Á – chi nhánh Bạc Liêu, khi công an khởi tố vụ án vào ngày 15.1.2014, đến nay đã có 8 cán bộ của ngân hàng này bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố về hành vi “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.


Danhsáchnhững người này gồm: Võ Thành Công, giám đốc chi nhánh; Trần Quốc Thống, phó giám đốc chi nhánh; Võ Anh Trung, nhân viên quan hệ khách hàng; Trần Công Thuấn, nhân viên xử lý nợ; Đặng Thị Bích Ly, nhân viên kế toán; Phạm Xuân Hưng, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng TMCP Việt Á Hoàng Văn Thụ cùng với Chi và Diễm.


Hiện vụ án đang được Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ.




Khởi tố bắt giam 8 cán bộ Ngân hàng TMCP Việt Á - chi nhánh Bạc Liêu

Bên thế chấp có quyền tự bán tài sản: Hệ thống ngân hàng… thất kinh

Quy định bên thế chấp được quyền bán tài sản mà không cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp là sự tiến bộ theo hướng quốc tế, nhưng ở VN làm như vậy thì các TCTD không còn đường sống.


ban-re-tai-san-the-chap


Có lẽ, một trong những nội dung khiến các NHTM và các chuyên gia pháp luật ngân hàng “kinh hoàng” nhất tại buổi Tọa đàm góp ý của các TCTD vào dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức là quy định về quyền của bên thế chấp được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho, cho thuê, cho mượn đối tượng của quyền thế chấp mà không cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp (Khoản 3 Điều 297).


Được tự bán tài sản vì kinh tế?


Sở dĩ xem đây là điểm mới bởi theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành, trong trường hợp tài sản thế chấp là hàng hóa luân chuyển thì bên thế chấp được quyền bán mà không cần sự đồng ý của bên nhận thế chấp. Nhưng với các loại tài sản khác muốn bán, muốn thay thế thì phải nhận được sự đồng ý của bên nhận thế chấp.


Thế nhưng, theo ông Hồ Quang Huy, Phó cục trưởng Cục Giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), thành viên ban soạn thảo, trong thực tiễn áp dụng pháp luật thời gian qua, rất ít trường hợp bên nhận thế chấp đồng ý cho bên thế chấp bán tài sản. Điều này khiến tài sản thế chấp mang đi đảm bảo bị đóng băng và không khai thác giá trị kinh tế.


Cũng theo ông Huy, nếu quy định mới được áp dụng, việc bảo vệ quyền lợi của bên nhận thế chấp sẽ thông qua quyền theo đuổi tài sản đến cùng của bên nhận thế chấp. Với việc bán tài sản phải theo cơ chế đăng ký công khai, minh bạch, tức là người mua tài sản phải cân nhắc về việc có mua hay không khi tài sản này đang dùng để thế chấp.


Cùng với thủ tục giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự theo thủ tục rút gọn; được thi hành án ngay đối với giao dịch mà các bên đã thực hiện công khai, minh bạch và có thỏa thuận về việc được quyền áp dụng cưỡng chế thi hành ngay “sẽ giúp cho bên nhận thế chấp thực thi quyền theo đuổi tài sản của mình. Đây là một trong những điểm mới vừa đảm bảo tính kinh tế của tài sản, vừa thúc đẩy giao dịch này xác lập và giao dịch một cách hợp pháp”, ông Huy giải thích thêm.


Ngân hàng… thất kinh


Tuy nhiên, quy định này lại khiến các chuyên gia pháp luật và các ngân hàng thất kinh. “Khi có tranh chấp xảy ra, ngân hàng khởi kiện thì cơ chế nào bắt tòa án phải thụ lý đơn khởi kiện? Thế là không hiểu nỗi khổ của ngân hàng. Hiện nay tòa án đã quá tải, còn các ngân hàng đang “chết chìm” trong giao dịch đảm bảo. Xử lý tài sản đảm bảo đang là vấn đề rất nhức nhối. Đây là lỗi của Bộ luật Dân sự”, Luật sư Hoàng Đàm, Giám đốc Công ty luật hợp danh Hoàng Đàm và Toàn Cầu cho hay.


Ông Vũ Khánh Din, Phó phòng pháp chế NHTMCP Quân Đội lại tỏ ra lo lắng về quyền theo đuổi tài sản của ngân hàng để bảo vệ quyền của bên nhận thế chấp.


Ông Din cho rằng, Ban soạn thảo đã tham khảo rất nhiều hệ thống pháp luật của các quốc gia khác, nhưng nếu nhìn ở góc độ TCTD thường xuyên thực hiện các biện pháp giao dịch đảm bảo thì đây là điều không an toàn cho các TCTD. Mặc dù hiện tại hoạt động của các TCTD trong việc nhận thế chấp đã có các thiết chế khác bảo vệ như cơ chế đăng ký giao dịch đảm bảo, nhưng việc Bộ luật Dân sự đi trước một bước so với các luật khác và chưa có sự thay đổi của các cơ quan tố tụng là điều đáng lo lắng. Nếu áp dụng quy định này trong khi chưa có sự thay đổi của hệ thống tư pháp và các quy định khác của Bộ luật Tố tụng dân sự thì phải có quy định chuyển tiếp phù hợp. Nếu không, sẽ không có gì để bảo vệ hệ thống ngân hàng.


“Tình trạng tẩu tán tài sản là động sản của bên vay rất rõ. Tôi trực tiếp tham gia hàng chục vụ truy tìm tài sản bị khách hàng tẩu tán, cực kỳ mệt mỏi vì tài sản có thể qua cầm đồ hoặc bán cho người khác. Với hệ thống công quyền Việt Nam, đa số sẽ tìm được, nhưng tìm được và giải quyết được lại là vấn đề rất nan giải. Đấy là trái phép, còn nay cho phép thì làm sao có thể bảo vệ TCTD”, ông Din lo lắng và đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu cơ chế bảo vệ TCTD rõ ràng hơn. Trong trường hợp phải chuyển nhượng hoặc chuyển giao tài sản mà thu được lợi ích thì phải có quy định chuyển tiền cho TCTD để đảm bảo thu hồi nợ.


“Chúng tôi có chi nhánh Campuchia. Qua nghiên cứu cho thấy luật của họ cũng rất tiến bộ. Họ có 2 thiết chế liên quan đến thế chấp. Một là thế chấp không dịch chuyển, nghĩa là phải có sự đồng ý của TCTD thì mới được chuyển dịch tài sản. Hai là TCTD và khách hàng có thỏa thuận cho phép khách hàng thực hiện. Nay Việt Nam cũng nên nghiên cứu quy định này”, ông Din gợi ý.


Dưới góc độ là nhà nghiên cứu pháp luật, ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, Bộ luật Dân sự đưa ra quy định bên thế chấp được quyền bán tài sản mà không cần có sự đồng ý của bên nhận thế chấp là sự tiến bộ theo hướng quốc tế, nhưng ở Việt Nam mà làm như vậy thì các TCTD không còn đường sống.


Theo ông, quy định này chỉ thực hiện được ở các nước phát triển có hệ thống pháp luật tiên tiến và đồng bộ, xã hội thật sự dân sự, còn áp dụng ở Việt Nam thời điểm này là chưa phù hợp với thực tế, do vậy cần phải có lộ trình.


“Riêng tôi cảm thấy không đồng ý với quan điểm này. Tôi nhận thức rằng, nếu để cho họ tự tẩu tán tài sản, tự bán tài sản thì chúng ta chờ tòa án và cơ quan pháp luật phán xét để mà thực hiện quyền theo đuổi tài sản thì không biết đến bao giờ. Bây giờ, đường đường chính chính pháp luật không cho phép bán tài sản, mà họ vẫn bán trái pháp luật còn không thu được tài sản về. Nếu Luật lại nói quyền theo đuổi tài sản đến cùng thì theo đuổi kiểu gì? Cực kỳ khó khăn”, ông Hòe cho hay.


“Nếu đưa quy định này vào Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi thì tiến bộ thật đấy, nhưng tôi không thực sự đồng tình. Chúng ta vẫn phải giữ lại quan hệ trước đây để đảm bảo tính chuyển tiếp của hệ thống pháp luật. Nếu tiến bộ quá sớm, đi nhanh quá, hệ thống ngân hàng sẽ ăn đạn trước tiên”.


Ông Phạm Xuân Hòe, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN)



Bên thế chấp có quyền tự bán tài sản: Hệ thống ngân hàng… thất kinh

24 thg 7, 2014

Vụ trưởng Vụ Pháp chế: Bitcoin không phải là tiền tệ hợp pháp ở Việt Nam

Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch, mặt khác, giao dịch Bitcoin có tính ẩn danh cao nên có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế…


bitcoin_vn-27


Đó là lý do ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên nắm giữ hoặc thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.


Xin ông cho biết quan điểm của NHNNVN về bitcoin?


Qua tìm hiểu bước đầu, Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.


Ngay sau khi Bitcoin xuất hiện tại Việt Nam từ cuối năm 2013, NHNNVN đã chủ động nghiên cứu về loại tiền ảo này. Tương tự hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, theo pháp luật hiện hành về ngân hàng, NHNNVN khẳng định bitcoin (cũng như các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.


Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Quan điểm này NHNN đã tuyên bố ngay từ ngày 27/2/2014.


Ông có thể đưa ra những khuyến cáo về nguy cơ tiềm ẩn khi sở hữu, mua bán và sử dụng Bitcoin?


Bitcoin bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox vào tháng 6/2010, đến năm 2013, Bitcoin được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư. Sự xuất hiện của Bitcoin có thể gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng như:


Thứ nhất, các giao dịch bằng Bitcoin có tính ẩn danh cao nên Bitcoin có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp.


Thứ hai, Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số nên nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn.Thực tế đầu năm 2014, giá Bitcoin đã sụt giảm mạnh sau khi 02 sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới là Mt.Gox và BitStamp tạm ngừng cho khách hàng rút tiền vì sự cố kỹ thuật và nhà chức trách Mỹ bắt giữ 04 nhân vật bị tình nghi đã sử dụng Bitcoin cho các giao dịch tội phạm.


Ngày 25/2/2014, sàn Mt.Gox đã bất ngờ đóng cửa khiến hàng triệu USD của thành viên mạng lưới Bitcoin đứng trước nguy cơ mất trắng.


Thứ ba, do giá trị đồng Bitcoin biến động mạnh và phức tạp trong thời gian ngắn nên hoạt động đầu tư vào Bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng, tiềm ẩn gây thiệt hại cho người đầu tư.


Thứ tư, Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.


Hiện nay, trên thế giới, đồng Bitcoin có được coi là một loại tiền tệ hay không, thưa ông?


Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đã có thông báo không chấp nhận Bitcoin là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra các cảnh báo rủi ro cho người sử dụng Bitcoin. Những quốc gia như Thái Lan, Nga, Pháp, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Na Uy… đều không thừa nhận Bitcoin là một đồng tiền hợp pháp được lưu thông trên thị trường.


Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.


Chiều 9/7 vừa qua, sàn giao dịch Bitcoin trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam có tên VBTC đã ra mắt. VBTC là kết quả của sự hợp tác giữa Công ty TNHH Bitcoin Vietnam và Công ty TNHH Bit2C, một công ty chuyên về Bitcoin tại Israel. Cũng trong chiều hôm đó, đã có 10 giao dịch được thực hiện trên sàn bởi 4 nhà đầu tư.


Trả lời một tờ báo, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin Bộ Công Thương cho rằng, sàn giao dịch Bitcoin VBTC không phải là sàn giao dịch thương mại điện tử. Hoạt động quản lý tiền điện tử do Vụ Thanh toán NHNN phụ trách. Cũng liên quan đến nội dung này, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN đã lên tiếng khẳng định: Đơn vị này không cấp phép cho sàn giao dịch Bitcoin tại Việt Nam và đến nay đồng tiền Bitcoin vẫn không được công nhận là hợp lệ tại Việt Nam.


Bitcoin là tiền ảo được lưu giữ dưới dạng kỹ thuật số phân cấp dựa trên một mã nguồn mở, giao thức internet ngang hàng. Tháng 2/2014 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo về những rủi ro liên quan đến Bitcoin. Đồng thời đến thời điểm này, NHNN đã hợp tác với nhiều đơn vị của Bộ Công An để thiết lập những quy định đối với việc sử dụng Bitcoin tại Việt Nam. Được biết, cách đây hơn 1 tháng, công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố hai bị can về tội kinh doanh, khai thác, mua bán tiền ảo Bitcoin.


Cho dù thế, trong những tháng qua vẫn còn 1 số sàn giao dịch Bitcoin âm thầm hoạt động thu hút người chơi. Mặc dù không cấm các hoạt động sử dụng Bitcoin, Việt Nam đã phủ nhận tính pháp lý của đồng tiền ảo này, gia nhập hàng ngũ nhiều quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc với những chính sách chặt chẽ với các loại tiền ảo.



Vụ trưởng Vụ Pháp chế: Bitcoin không phải là tiền tệ hợp pháp ở Việt Nam

23 thg 7, 2014

Phía sau thực trạng nhà chung cư không sổ đỏ tràn lan ở Hà Nội

Hà Nội còn hơn 76.000 căn chủ đầu tư chưa làm các thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà theo quy định


OLYMPUS DIGITAL CAMERA


Để gỡ vướng cho công tác cấp sổ đỏ nhà ở, nhất là tại các khu chung cư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định sẽ không nương nhẹ với bất cứ vi phạm, tiêu cực nào phát sinh trong quá trình xét cấp sổ đỏ.


Tuy nhiên, do quỹ đất ở ngày càng hạn hẹp, trong khi các chung cư thương mại, thu nhập thấp cứ đua nhau mọc lên đã khiến tình trạng chậm cấp sổ đỏ ở thành phố có dân số lớn thứ 2 cả nước vẫn còn phổ biến.


Chung cư “vắng bóng” sổ đỏ


Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến nay trên địa bàn thành phố đã có 112.150 căn hộ xây dựng xong, bàn giao cho người mua nhà. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn thủ tục và triển khai cấp 36.110 sổ đỏ cho người mua nhà; còn lại hơn 76.000 căn chủ đầu tư chưa làm các thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà theo quy định.


Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang có 104.430 căn đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, xét về tổng thể trong 6 tháng đầu năm 2014 thì các quận, huyện mới chỉ cấp được 9.701 sổ đỏ, đạt 24% kế hoạch.


Đơn cử như tại huyện Hoài Đức, dự án khu đô thị mới Bắc QL 32 được xây dựng từ năm 2008 và kết thúc năm 2012 với 784 căn biệt thự, liền kề. Cho đến nay, chủ đầu tư đã bàn giao 551/784 căn hộ cho người mua nhà nhưng hiện vẫn chưa có căn hộ nào được cấp sổ đỏ.


Dù tại các dự án nhà ở xã hội, mà người thu nhập thấp rất quan tâm và chính quyền đang có chủ trương, chỉ cần người mua nhận được biên bản bàn giao nhà từ chủ đầu tư là có thể được làm thủ tục cấp sổ đỏ.


Thế nhưng, thực tế tại các dự án nhà thu nhập thấp, mọi việc không đơn giản như vậy. Ví dụ ở CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) là dự án nhà thu nhập thấp thí điểm, triển khai đầu tiên của thành phố, được bàn giao sớm nhất trên cả nước. Thế nhưng, cho đến nay 328 căn hộ được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2011, các hộ dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ.


Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lý giải một trong những nguyên nhân quan trọng “góp phần” vào sự chậm trễ này là do nhiều chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai đã xây dựng công trình nhà ở và bàn giao nhà cho người mua.


Thậm chí, theo tiết lộ của ông Nghĩa, nhiều chủ đầu tư còn gây khó khăn cho người mua nhà trong việc hoàn thiện hồ sơ như không thanh lý hợp đồng, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho người mua nhà.


Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư còn không cung cấp hồ sơ pháp lý của dự án và tiến độ thực hiện dự án còn chậm, tiến độ bàn giao nhà không đúng thời gian dự kiến, ảnh hưởng đến công tác cấp sổ đỏ. Chính điều này đã khiến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà luôn ở thế chông chênh, thậm chí không thể biết chủ đầu tư có điều chỉnh dự án hay không; có vi phạm quy định về đất đai, quy hoạch, xây dựng có sai phép?.


Mệt với “ma trận” thủ tục hành chính


Để gỡ vướng cho công tác cấp sổ đỏ tại các chung cư, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sở sẽ yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương tổng hợp toàn bộ hồ sơ của người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và nộp ngay về Văn phòng Đăng ký Đất đai.


Thực tế, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ đang là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý đất đai và nhà ở của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên với cách làm, cách quản như hiện nay, nhiệm vụ này sẽ khó hoàn thành và quan trọng hơn là người dân còn “mệt”’ trước “ma trận” của thủ tục hành chính để có được sổ đỏ.


Ở góc độ chuyên gia, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguyên nhân của chậm cấp sổ đỏ tại các chung cư là do quy trình cấp sổ đỏ mà chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm là một cơ chế không phù hợp.


“Do đó, để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho người mua nhà, giải pháp bản lề hiện nay là phải thay đổi thủ tục hành chính,” giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ.


Cũng theo giáo sư Đặng Hùng Võ, hiện nay người mua nhà đang phải gánh mọi hậu quả từ sai phạm của các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Bởi vậy, cơ quan Nhà nước cần cấp sổ đỏ trực tiếp cho người mua nhà dự án. Cùng với đó, việc quản lý quá trình thực hiện dự án phải được thực thi hoàn toàn độc lập với việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà.


“Tôi cho rằng, việc quản lý quá trình thực hiện dự án phải được thực thi hoàn toàn độc lập với việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Đây là sự thay đổi tư duy quản lý rất quan trọng, sự thay đổi vì lợi ích của người tiêu dùng và mang lại hiệu quả giảm tỷ lệ nhà ở phi chính thức,” giáo sư Đặng Hùng Võ khuyến nghị.


Trước đó, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác cấp sổ đỏ cho người mua nhà, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã họp, thống nhất phương án bóc tách trách nhiệm của chủ đầu tư với người mua nhà trong quá trình xét cấp sổ đỏ.


Theo đó, đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội bóc tách những nguyên nhân sai phạm của chủ đầu tư để tiếp tục xử lý.


Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đôn đốc Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã-nơi có dự án phát triển nhà ở, chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội làm việc với các chủ đầu tư để lập kế hoạch cụ thể về công tác cấp sổ đỏ, báo cáo các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ nhằm đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao.


Để thúc đẩy tiến độ cấp sổ đỏ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường lập danh sách các chủ đầu tư không hợp tác, gây phiền nhiễu trong công tác cấp sổ đỏ cho người mua nhà, báo cáo Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư.


Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất phong tỏa tài khoản tại ngân hàng đối với chủ đầu tư; Thu hồi đất hoặc thu hồi đối với quỹ nhà chưa bán; không giao đất để thực hiện dự án khác trên địa bàn Thành phố; Thông báo trên phạm vi cả nước về vi phạm của chủ đầu tư.



Phía sau thực trạng nhà chung cư không sổ đỏ tràn lan ở Hà Nội

DAS thông báo chương trình ưu đãi đặc biệt từ ngày 17/07/2014 đến hết ngày 17/10/2014

THÔNG BÁ0

(V/v: Chương trình ưu đãi đặc biệt)

dab-khuyenmai


Kính gửi: Quý Khách hàng


Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập DAB (01/07) và DAS (01/06), DAS áp dụng chương trình ưu đãi đặc biệt.

Thời gian áp dụng chương trình: (03 tháng) từ ngày 17/07/2014 đến ngày 17/10/2014 

Thể lệ áp dụng:


Đối với khách hàng đang giao dịch tại DAS:


- Áp dụng mức phí giao dịch 0,15% cho tất cả giao dịch online của KH


- Miễn lãi vay Margin 1 là 02 ngày (trên mỗi khoản vay) cho những KH có giá trị giao dịch bình quân 01 tỷ đồng/tháng (không giới hạn thời gian ưu đãi)


Đối với khách hàng mở mới tài khoản tại DAS:


- Áp dụng mức phí 0,15% cho tất cả giao dịch của KH


- Giảm ngay 1.000.000 đ phí giao dịch


- Miễn lãi vay Margin 1 là 02 ngày (trên mỗi khoản vay)


- Kết thúc thời gian ưu đãi, tiếp tục miễn lãi vay Margin 1 là 02 ngày (trên mỗi khoản vay) cho những KH có giá trị giao dịch bình quân 01 tỷ đồng/tháng

21 thg 7, 2014

Lập khống chứng từ thu chi, một cán bộ ngân hàng Agribank chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng

Tính đến ngày 17/7, số tiền bị thất thoát trong vụ tham ô tài sản xảy ra tại Phòng giao dịch Thanh Hà thuộc Agribank Chi nhánh huyện Thanh Ba (Phú Thọ) đã lên tới gần 5 tỷ đồng.


canbonganhangnongnghiepluadao-thanh-ba



Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội này là Lê Thị Kim Dung (34 tuổi, trú tại phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ), cán bộ Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Thanh Ba.



Vì sao, Dung có thể “qua mắt” được hệ thống quản lý tài chính của ngân hàng, chiếm đoạt tiền tỷ?


Qua công tác quản lý nghiệp vụ, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện tại một số xã thuộc địa bàn huyện Thanh Ba, có một số hộ dân nộp tiền trả nợ ngân hàng qua Phòng giao dịch Thanh Hà… Vậy nhưng, trên hệ thống quản lý của Phòng giao dịch Thanh Hà, thuộc Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh huyện Thanh Ba vẫn thể hiện việc dư nợ.


Đi sâu nắm bắt thông tin, cán bộ Phòng PC46 Công an tỉnh Phú Thọ đã gặp gỡ hơn 80 trường hợp đã vay tiền tại Phòng giao dịch Thanh Hà. Một trong số đó có trường hợp của anh Trần Trung Dũng, trú tại xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba.


Theo lời kể của anh Dũng thì trước đó anh Dũng ký hợp đồng tín dụng với Phòng giao dịch huyện Thanh Hà, vay số tiền 150 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám đốc Phòng giao dịch Thanh Hà khi đó đã ký hợp đồng vay bảo đảm tài sản, thời hạn 12 tháng, lãi suất 13% năm… Thực hiện hợp đồng trên, anh Dũng đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 085287 cho Phòng giao dịch Thanh Hà quản lý. Sau này, anh Dũng đã trả hết số tiền vay trên… Nhưng trên hệ thống sổ sách theo dõi tại Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh huyện Thanh Ba vẫn xác định anh Dũng đang dư nợ số tiền gốc là 25 triệu đồng.


Cá biệt, một số trường hợp sau khi đã trả nợ ngân hàng thì không biết hiện giờ tài sản thế chấp của mình đang ở đâu. Điển hình trong số đó là trường hợp của anh Hà Mạnh Hùng, ở khu 4, xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba. Anh Hùng ký hợp đồng tín dụng vay của Phòng giao dịch Thanh Hà 100 triệu đồng, trong thời hạn 36 tháng với lãi suất 14,5% năm, hình thức vay có bảo đảm. Khi đó, ông Khúc Xuân Quảng, Giám đốc Phòng giao dịch Thanh Hà đã ký hợp đồng cho anh Hùng vay số tiền trên, tài sản thế chấp là một quyển giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.


Trên hệ thống sổ sách, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – Chi nhánh huyện Thanh Ba xác định anh Hùng đang dư nợ số tiền gốc là 75 triệu đồng. Tuy nhiên, khi làm việc với Chi nhánh huyện Thanh Ba thì Hùng xác định đã trả nợ hết cho Phòng giao dịch Thanh Hà. Song đến thời điểm này, Phòng giao dịch Thanh Hà vẫn chưa làm thủ tục trả lại cho Hùng, không còn lưu giữ và cũng không xác định được hiện bộ giấy tờ này đang ở đâu…


Trước dấu hiệu vi phạm xảy ra tại Phòng giao dịch Thanh Hà, Phòng PC46 Công an tỉnh Phú Thọ vào cuộc, điều tra đã làm rõ sai phạm của Lê Thị Kim Dung. Đối với các trường hợp của anh Trần Trung Dũng và anh Hà Mạnh Hùng, Dung khai đã trực tiếp nhận tiền trả nợ của các khách hàng trên. Song sau khi nhận tiền, Dung đã sử dụng để chi tiêu cá nhân, không có khả năng hoàn trả.


Được biết, vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Dung đang là kế toán Phòng giao dịch Thanh Hà. Lợi dụng vị trí công tác được phân công, Dung đã có hành vi lập khống chứng từ chi trả và thu tiền trả nợ vay của ngân hàng để chiếm đoạt. Nạn nhân của vụ án này là ông Chu Văn Thuần (ở khu 6, Thanh Hà, Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ). Trước đó, ông Thuần gửi 437 triệu đồng tiết kiệm tại Phòng giao dịch Thanh Hà. Lợi dụng chức vụ là kế toán Phòng giao dịch Thanh Hà, ngày 10/1/2011, Dung đã lập khống chứng từ về việc chi trả 200 triệu đồng cho ông Thuần và chiếm đoạt số tiền này để sử dụng.


Đến ngày 18/3/2011, Dung tiếp tục lập khống chứng từ về việc chi trả 200 triệu đồng cho ông Thuần và chiếm đoạt số tiền này. Với hành vi trên, Phòng giao dịch Thanh Hà, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Thanh Ba đã phải trả lại cho ông Thuần tiền gốc và lãi là hơn 500 triệu đồng. Căn cứ vào các hành vi phạm tội của Dung, Phòng PC46 Công an tỉnh Phú Thọ vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với đối tượng này về tội tham ô tài sản.


Quá trình điều tra còn xác định từ năm 2011 đến cuối năm 2013, lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được phân công, Dung đã thu hơn 4 tỷ đồng tiền trả nợ vay của hơn 80 khách hàng, sau đó không nhập quỹ mà chiếm đoạt sử dụng cá nhân gây thiệt hại cho Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Thanh Ba hơn 4 tỷ đồng. Liên quan đến vụ án trên, Phòng PC46 Công an tỉnh Phú Thọ hiện đang tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án. Song qua đây cũng biểu hiện sơ hở trong công tác quản lý của Phòng giao dịch Thanh Hà, trong việc quản lý cán bộ.



Lập khống chứng từ thu chi, một cán bộ ngân hàng Agribank chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng

Ngân hàng khuyến mãi cho vay: Rao ưu đãi nhưng lãi suất đâu có rẻ.

Các ngân hàng đang thừa tiền, bí đầu ra nên đang rao nhiều chương trình ưu đãi cho vay. Tuy nhiên, đa số DN vẫn cho rằng việc tiếp cận các chương trình vốn rẻ là không dễ.


MHB-khuyenmailaisuatchovay



Ngân hàng duy trì lợi nhuận


Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-8%/năm. Riêng lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5-13%/năm đối với trung và dài hạn. Với một số khoản vay, DN có thể được hưởng lãi suất ưu đãi trong thời gian đầu, nhưng sau đó lại bị nâng lên cao hơn để cân bằng.


Trong khi đó, lãi suất huy động tiền đồng đang phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và dưới 6 tháng; 6-7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,5-8,3%/năm.


Phản ánh mới đây, một số DN tại TP.Huế cho biết vẫn phải vay vốn với lãi suất cao. Một DN trong lĩnh vực xuất khẩu tiết lộ, vẫn phải đang vay vốn NH với lãi suất 13%/năm, dù lĩnh vực sản xuất kinh doanh là ưu tiên. Trong khi Chính phủ yêu cầu các ngân hàng áp lãi suất cho vay tối đa với lĩnh vực này hiện đang ở mức 7-8%.


Sở Công Thương tỉnh Bến Tre mới đây cũng cho biết, có tới 56% DN tại địa phương này phản ánh lãi suất cho vay trung hạn và ngắn hạn còn cao.


Đại diện Công ty cổ phần Đông Hải cho rằng lãi suất trung hạn 12%/năm làm rất khó có lãi, phải dưới 10% thì DN mới dám vay để đổi mới thiết bị, công nghệ. Còn đại diện Công ty cổ phần Dược Bến Tre cho biết lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay là 8%/năm vẫn cao, lợi nhuận của DN không đủ bù đắp.


Lý giải về mức lãi suất cho vay cao, một số NH cho biết, giá vốn huy động bình quân của nhiều NH vẫn cao. Trong khi đó, lãi biên được các NH mặc định khoảng 3-4%, tùy vào đối tượng vay. Tuy nhiên, mức lãi biên này được tính toán trên lãi suất tham chiếu là giá vốn bình quân của ngân hàng, chứ không phải tính trên trần lãi suất huy động hiện hành. Chính vì vậy mà các ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay thêm.


Nhiều ý kiến cho rằng do nợ xấu cao, trong khi các NH phải đảm bảo có lợi nhuận để xử lý nợ xấu, sức ép đó khiến cho chênh lệch lãi suất vẫn cao và đang gây khó khăn cho các DN. Ngoài ra, do tín dụng tăng trưởng thấp, các NH đã phải dành một lượng lớn tiền mua trái phiếu với lãi suất thấp. Vì vậy, nên vẫn phải duy trì cho vay DN cao để bù đắp lợi nhuận.


Lãi suất cao: DN nội bất lợi trước FDI?


Theo các chuyên gia kinh tế, với lãi suất cho vay cao gấp từ 2 lần trở lên so với các nước khác như hiện nay, đang khiến cho hàng hóa nội khó cạnh tranh, làm suy yếu dần các DN. Đa số DN Việt Nam đang vay với lãi suất 10 – 13%/năm; trong khi các DN FDI, nếu vay ở chính quốc để đầu tư vào Việt Nam, mức lãi suất vay thấp hơn nhiều.


Từ nhiều năm nay, các nước có đầu tư FDI nhiều ở Việt Nam như Hoa Kỳ lãi suất luôn ổn định là 3,3%/năm, Nhật Bản là 1,5%, Hàn Quốc là 4,7%…


Sự chênh lệch về lãi suất như trên đã tạo ra những lợi thế nhất định cho các DN FDI so với các DN Việt Nam nếu tiêu thụ hàng hóa cùng loại tại thị trường nội địa. Thực tế, mức lãi suất của Việt Nam hiện nay vẫn quá cao, đang là một sức ép rất lớn đối với các DN; nếu không sớm hạ nhanh lãi suất về ngang bằng các quốc gia khác thì Dn sẽ còn nhiều khó khăn, chuyên kinh tế Bùi Kiến Thành nói.


Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội các DN nhỏ và vừa cho biết, đến nay lãi suất cho vay đã giảm, song vẫn còn cao hơn nhiều so với khả năng sinh lời của DN. Hiện lợi nhuận của các DN nhỏ và vừa bình quân chỉ ở mức 6% – 7%/năm, nếu vay vốn lãi suất cao hơn chắc chắn sẽ thua lỗ, ông Kiêm cho biết.


Không những lãi suất cao mà DN cũng gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay. Không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được nguồn vốn từ các ngân hàng. Chỉ những DN có tài sản tốt, phương án kinh doanh tốt và có dòng tiền mới được các ngân hàng chào đón, trong khi số DN này hiện nay không có nhiều.


Ngoài ra, một số DN phản ánh, các ngân hàng vẫn “chắc tay” với tài sản đảm bảo, khiến họ phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp, định giá quá rẻ mạt. Thậm chí nhiều ngân hàng luôn có những suy đoán rất kỳ lạ, cho rằng với tình hình hiện tại, những DN nào chấp nhận vay lãi suất cao là có vấn đề, không muốn cho vay, càng khiến DN nản lòng khi vay vốn.


Tình hình này rất đáng lo ngại, ông Cao Sỹ Kiêm cho biết, nó sẽ khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN khó khởi sắc dẫn đến hệ quả là nhiều DN hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.


Theo Tổng cục Thống kê, số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động có đăng ký hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký trong 6 tháng đầu năm là 33.454 DN, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cho thấy, chưa có nhiều dấu hiệu lạc quan đối với sản xuất.



 



Ngân hàng khuyến mãi cho vay: Rao ưu đãi nhưng lãi suất đâu có rẻ.

20 thg 7, 2014

Danh sách 20 nghề tốt nhất để cân bằng cuộc sống và công việc

Nghiên cứu dữ liệu, chuyên viên SEO hay hướng dẫn viên là những nghề dễ đạt được cân bằng giữa công việc và gia đình nhất.




Đôi khi bạn cảm thấy phải đưa ra lựa chọn giữa cống hiến cho công việc và bảo toàn hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, những người làm nghề hướng dẫn viên, hay truyền thông không gặp nhiều khó khăn để đảm bảo cả hai điều trên.


Theo Scott Dobroski, chuyên gia cộng đồng của Glassdoor, cân bằng giữa cuộc sống và công việc là một yếu tố quan trọng đối với hiệu quả làm việc của một nhân viên. “Khi duy trì được sự cân bằng cuộc sống và công việc, nhân viên có xu hướng thỏa mãn, có động lực để làm việc chăm chỉ và năng suất hơn, tránh được tình trạng căng thẳng”, Scott nói.


Dựa trên nghiên cứu của trang việc làm Glassdoor, Business Insider đưa ra 20 nghề có thể đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống dễ dàng nhất. Theo thang điểm 5 của nghiên cứu trên, nghề nghiên cứu dữ liệu được xếp hạng cao nhất với điểm số 4,4, theo sau là chuyên viên SEO với 4,3 điểm.


Sau đây là danh sách 20 lĩnh vực ngành nghề bạn nên chọn:


danh-sach 20-nghe-nghiep-tot-nhat



Danh sách 20 nghề tốt nhất để cân bằng cuộc sống và công việc

Ngân hàng Việt Nam: Tốn nhiều chi phí chốt chặn thẻ tặc ( thẻ tín dụng ) từ Trung Quốc.

Tội phạm thẻ tín dụng từ Trung Quốc nổi lên gần đây đã dùng các thủ đoạn khó lường tấn công ngân hàng Việt khiến các nhà băng tăng khuyến cáo khách hàng cảnh giác với những thủ đoạn này.





Thẻ trong tay, tiền vẫn mất như chơi


Mới đây, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao Hà Nội (PC50) vừa triệt phá nhóm người Trung Quốc câu kết với người Việt Nam dùng thẻ tín dụng giả để rút hàng tỷ đồng của các ngân hàng lớn. Nghi can người Trung Quốc này lập 4 công ty làm bình phong để ký với các ngân hàng lắp đặt máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Sau đó, các đối tượng dùng thẻ tín dụng giả với những thông tin ăn cắp được để quẹt trên những máy POS này và rút tiền.


Hoặc trong các trường hợp tội phạm thẻ Trung Quốc lừa các khách hàng Việt Nam khi hợp tác làm ăn, kinh doanh. Phía đối tác Trung Quốc sẽ đề nghị được góp vốn bằng tiền trong tài khoản thẻ. Vì là thẻ giả nên khi đối tác phía Việt Nam mang thẻ này đi rút tiền tại ngân hàng thì vô tình tiếp tay cho tội phạm.


can-than-khi-giao-dich-the-tai-cac-tru-atm


Theo một chuyên gia phòng thẻ của ngân hàng Vietcombank, tình trạng thẻ tặc tấn công các chủ thẻ vẫn xảy ra. Một số chủ thẻ của Vietcombank cũng bị thiệt hại do sơ hở rút tiền tại máy ATM liên ngân hàng.


Trường hợp có những khách hàng đi ăn nhà hàng và dùng thẻ thanh toán, nhưng nguy hiểm từ chỗ nhiều người đưa thẻ cho nhân viên nhà hàng tự thanh toán giúp. Như vậy, chủ thẻ rất dễ bị ăn cắp thông tin khi thẻ bị cà qua máy POS có gắn skimming.


Để có thông tin chủ thẻ, theo một cán bộ Trung tâm thẻ ngân hàng  Quốc Dân (NCB), tội phạm công nghệ sẽ đặt các thiết bị skimming gắn trong khe đút thẻ, còn máy camera được gắn vào để ghi lại mật khẩu. Khi thẻ của khách hàng đưa vào máy để nhập thông tin thì những thông tin và mật khẩu của thẻ ATM sẽ bị đánh cắp.


Cá nhân vô ý, ngân hàng không chịu trách nhiệm


Các ngân hàng trên thế giới đều phải chấp nhận sự tồn tại một tỉ lệ nhất định của thẻ giả. Chẳng hạn ở Mỹ, tỉ lệ thẻ giả được xác định ở mức 5% tổng số thẻ lưu hành.


Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2013 đã có 66 triệu thẻ được phát hành tại Việt Nam, chủ yếu là thẻ từ, thẻ chíp rất ít.


Cán bộ Trung tâm thẻ ngân hàng NCB cho biết thêm, hiện nay, giá thiết bị chống ăn trộm dữ liệu (anti-skimming) khoảng 150-1000 USD/chiếc, tùy độ phức tạp, camera khoảng 15 triệu đồng/cái. Như vậy, mỗi máy ATM cần trang tối thiếu là 20 triệu đồng, một ngân hàng có khoảng 1.000 máy ATM thì chi phí trang bị cho việc chống ghi trộm lên tới là 20 tỷ đồng. Như vậy, với khoảng  trên 15.300 trụ ATM trên cả nước thì số tiền đầu tư cho sự an toàn vô cùng tốn kém.


Các ngân hàng cũng đã tích cực có các biện pháp để phòng chống cho mình và cho cả khách hàng. Các máy ATM và hệ thống camera của Vietcombank được kiểm tra thường xuyên xem có bị lắp thiết bị lạ không, cán bộ phòng thẻ Vietcombank cho biết.


Theo ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, hiện tượng tội phạm công nghệ tấn công thẻ diễn ra từ trước đến giờ và hiện nay nổi lên từ Trung Quốc. Hiện ACB bảo vệ khách hàng bằng việc đang tiến hành chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.


Theo ông Toại, khách hàng khi mất thẻ phải báo ngay cho ngân hàng để ngân hàng khóa tài khoản, ngăn chặn thiệt hại cho khách hàng.


Cán bộ Trung tâm thẻ NCB cho rằng, chắc chắn là khi khách hàng chủ quan, sơ ý để hacker lấy cắp thông tin để rút tiền từ tài khoản thì ngân hàng không phải chịu trách nhiệm bồi thường bởi đó là lỗi của chủ thẻ, ngân hàng không chịu trách nhiệm.




Ngân hàng Việt Nam: Tốn nhiều chi phí chốt chặn thẻ tặc ( thẻ tín dụng ) từ Trung Quốc.

Mua hàng trả góp: Thêm vụ chiếm đoạt tài sản ngân hàng bị khởi tố

Đối tượng đã lợi dụng quy định của chương trình khuyến mãi khách hàng mua sản phẩm ĐTDĐ chỉ phải trả 30% giá trị tài sản, số còn lại sẽ do ngân hàng thanh toán để chiếm đoạt tài sản.


Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.


Công an quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Hải Yến (SN 1985, trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.


Đầu tháng 7/2014, Yến tình cờ nắm được thông tin một ngân hàng có nhu cầu liên kết với một số cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ trên địa bàn quận Cầu Giấy (TP Hà Nội) thực hiện chương trình khuyến mại cho vay với lãi suất thấp. Theo quy định của chương trình khuyến mãi này, khách hàng mua sản phẩm ĐTDĐ chỉ phải trả 30% giá trị tài sản, số còn lại sẽ do ngân hàng thanh toán.

Lợi dụng kẽ hở của chương trình khuyến mại này là chỉ cần mang CMND, sổ hộ khẩu của gia đình đến các cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ đã liên kết với ngân hàng là có thể vay vốn được, Yến đã đem sổ hộ khẩu và CMND của những lao động từng đến xin việc tại công ty của Yến rồi mang ra một số cửa hàng kinh doanh ĐTDĐ ở khu vực quận Cầu Giấy lừa mua ba chiếc iPhone 5s với tổng trị giá khoảng 40 triệu đồng.


Thấy “ngon ăn”, ngày 3/7, đối tượng này tiếp tục dùng thủ đoạn trên thì bị nhân viên một cửa hàng phát hiện báo công an bắt giữ.



Mua hàng trả góp: Thêm vụ chiếm đoạt tài sản ngân hàng bị khởi tố

18 thg 7, 2014

Xót xa nhìn nhà ở xã hội cho thuê

Mô hình nhà ở xã hội cho thuê được đầu tư từ ngân sách nhà nước đang bộc lộ những bất cập. Trong khi đó, mô hình do doanh nghiệp đầu tư lại vướng thủ tục cho thuê khiến những người nghèo đô thị tiếp cận rất khó khăn.


Nhà ở xã hội cho thuê tại CT19A khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) xuống cấp nhưng thiếu kinh phí bảo trì. Ảnh: Ngọc Châu Nhà ở xã hội cho thuê tại CT19A khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) xuống cấp nhưng thiếu kinh phí bảo trì. Ảnh: Ngọc Châu



Xuống cấp do thiếu tiền bảo trì?


Khu nhà ở xã hội cho thuê CT19A khu đô thị Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) gồm 515 căn bao gồm các tòa nhà 6 tầng (không có thang máy). Để thuê khu nhà ở xã hội này, các công chức trên địa bàn Hà Nội phải qua xét hồ sơ chặt chẽ.


Khi thuê được, mức giá thuê khoảng 1,5 triệu đồng/tháng cho căn phòng rộng 52m2, khiến không ít cán bộ công chức vui mừng do giá rẻ. Tuy nhiên, sau 5 năm đưa vào sử dụng, nhiều hạng mục công trình xuống cấp, điều kiện sinh hoạt kém vệ sinh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân sinh sống trong khu nhà.


Bà Nguyễn Doan, tòa CT19A3 cho biết, tình trạng thấm dột thường xuyên xảy ra tại tầng 6 (tầng áp mái). Còn tại các căn hộ, vết nứt chân chim trên tường, trần chỗ nào cũng có. Cửa kính ban công thường xuyên bị ngấm nước. “Khổ nhất là những hôm trời mưa. Nhà để xe tầng một nước tràn vào lênh láng. Trần nhà để xe bong tróc từng mảng. Nhiều hôm đi làm về gửi xe chỉ sợ vữa từ trên trần rơi xuống đầu”, bà Doan nói.


Chất lượng nhà xuống cấp nhưng các hộ dân ở đây vừa nhận được thông báo tăng giá tiền nhà từ 29.100 đồng/m2 lên 38.515 đồng/m2. “Với đơn giá mới, tiền nhà mỗi tháng của gia đình tôi nhảy từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 2,8 triệu đồng/tháng. Với nhiều người đi làm, tăng hơn 1 triệu đồng/tháng không có vấn đề gì. Nhưng với những gia đình về hưu thì khoản tiền đó không hề nhỏ”, ông Phạm Thanh Bằng, tòa CT19A1 nói.


Theo ông Bằng, việc tăng giá này khiến nhiều gia đình sẽ phải bỏ suất thuê nhà xã hội chuyển ra thuê ngoài. “Có những gia đình làm việc cách 20 km nhưng họ vẫn ngày ngày đi làm rồi về ở vì giá thuê rẻ. Nhà nước đã tạo ra mô hình nhà ở cho người nghèo thì nên giữ những hỗ trợ cho người nghèo một cách ổn định”, ông Bằng nói.


Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Vĩnh Nam, Ban Quản lý dự án Phát triển công trình đô thị (Sở Xây dựng), đơn vị vận hành tòa nhà cho biết, hiện nay kinh phí vận hành tòa nhà phụ thuộc vào ngân sách thành phố.


“Mỗi năm chúng tôi phải lập dự toán, sau đó gửi Sở Tài chính, thông qua UBND thành phố. Một năm kinh phí được duyệt khoảng 400 – 500 triệu đồng. Số tiền này không đủ để bảo trì toàn bộ hơn 500 căn hộ tại CT19A. Vì vậy, mỗi năm chúng tôi chỉ bảo trì được một tòa nhà rồi gối đầu các tòa nhà vào những năm tiếp theo”, ông Nam nói.


Khổ vì hồ sơ thuê ngặt nghèo


Nhà ở xã hội Đặng Xá 3 (Gia Lâm, Hà Nội) với hơn 300 căn hộ do doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư hứa hẹn sẽ giải cơn khát về nhà ở cho thuê của người nghèo. Với mức giá 25.000 đồng/tháng (tương đương 1 triệu đồng/tháng/căn hộ rộng 40m2), rất nhiều người dân muốn thuê. Mức giá này rẻ hơn hẳn mô hình nhà ở xã hội do thành phố bỏ tiền đầu tư tại khu đô thị Việt Hương (Long Biên, Hà Nội).


Tuy nhiên, do chưa có Thông tư hướng dẫn thủ tục cho người thuê nhà nên mọi quy định đều áp theo Nghị định 188 về phát triển quản lý nhà xã hội của Chính phủ. Điều này khiến nhiều đối tượng gặp không ít khó khăn trong quá trình làm hồ sơ.


Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Cty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Đặng Xá cho biết, các đối tượng muốn thuê nhà ở xã hội phải làm thủ tục, hồ sơ như đối tượng mua nhà xã hội.




“Mô hình nhà ở xã hội do ngân sách thành phố bỏ ra làm thí điểm đã nảy sinh một số bất cập. Điều này sẽ được doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê khắc phục trong dự án của mình để người nghèo đô thị có nhà ở ổn định, chất lượng”.

Ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển Nhà ở (Sở Xây dựng Hà Nội)



Cụ thể, sinh viên là đối tượng được thuê nhà nhưng mới nhập trường thì làm sao sinh viên đáp ứng được quy định “phải có đăng ký tạm trú trên một năm mới được thuê nhà”. Nhiều người nghèo tại khu vực đô thị lại vướng quy định phải có bảo hiểm xã hội trên 1 năm… Tất cả những điều kiện đó trong hồ sơ đang làm cản trở những đối tượng có nhu cầu.


Ông Tuấn cho rằng, thời gian tới Bộ Xây dựng nên có thông tư nới điều kiện cho thuê nhà ở xã hội. “Hiện nay, những khu nhà trọ trong nội đô vừa đắt đỏ vừa không đảm bảo chất lượng sống. Mô hình nhà ở xã hội cho thuê do doanh nghiệp làm nằm trong quần thể nhà xã hội bán của doanh nghiệp nên mọi dịch vụ, hạ tầng, chất lượng đều tương đương nhau”, ông Tuấn nói.



Báo Tiền Phong



Xót xa nhìn nhà ở xã hội cho thuê

Ngân hàng hạ lãi suất cho vay "kích thích " vay tiêu dùng

Lãi suất 5% cho cả năm là mức lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nhất thị trường hiện tại, để hút khách, thời gian cho vay tiêu dùng lãi suất thấp ngày càng được các ngân hàng kéo dài hơn.


Lãi suất 5% cho cả năm là mức lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nhất thị trường hiện tại (Ảnh minh họa) Lãi suất 5% cho cả năm là mức lãi suất cho vay tiêu dùng thấp nhất thị trường hiện tại (Ảnh minh họa)





Cuộc đua lãi rẻ


Nếu như  trước đây, lãi suất 0% chỉ kéo dài trong 1-3 tháng, thì nay lãi 0% gần như không còn, thay vào đó, các ngân hàng thực tế hơn khi áp dụng lãi suất 5-7% và tăng thời gian cho vay lãi suất ưu đãi lên đến 1 năm.


Hiện VPBank đang chào khách hàng vay tiêu dùng lãi suất chỉ 5%/năm cho 12 tháng đầu tiên, tại ACB là 8,9%/năm cho ưu đãi cho năm đầu tiên.


Ngân hàng HDBank cũng có gói lãi suất cho vay chỉ 6,8%/năm cho 03 tháng đầu, và mức 9%/năm cho 12 tháng. ABBank cho vay chỉ 8,5%/năm cho 12 tháng đầu tiên.


Hiện ngân hàng ngoại HSBC Việt Nam cũng vào cuộc đua lãi suất thấp 7,99%/năm trong 06 tháng đầu cho khoản vay có tài sản đảm bảo là bất động sản…


Với mức lãi suất thấp cho 1 năm đầu tiền, lãi suất cho các năm tiếp theo được tính theo công thức: lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với biên độ từ 3-4%/năm. Tính ra, mức lãi suất các năm tiếp theo cũng từ 12-13%/năm.


Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đang tính phí trả nợ trước hạn từ 1-3% trên tổng số tiền trả trước.


Đủ khả năng hãy vay tín chấp


Tìm hiểu nhu cầu thị trường thì vay tiêu dùng tín chấp vẫn được khách hàng ưa chuộng hơn. Bởi vì vay bằng lương sẽ giúp khách hàng trực tiếp cân đối chi tiêu trên nguồn thu nhập của mình, đặc biệt với khoản vay nhỏ.


Tìm hiểu của PV, thủ tục vay và điều kiện vay tín chấp tại một số ngân hàng, mức lãi suất cho vay tín chấp 15-18%/năm, trả lãi theo dư nợ giảm dần, còn trả lãi theo dư nợ ban đầu thì chỉ có 12-13%/năm.


Điều kiện để vay tiêu dùng tín chấp tại KienLongBank là khách hàng phải có thời gian công tác tại cơ quan từ 24 tháng trở lên, mức vay tùy theo mức thu nhập và được vay tới 03 năm.


Còn điều kiện tại ngân hàng ACB là khách hàng có thời gian công tác từ 12 tháng trở lên, có mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng tại khu vực TP.HCM và Hà Nội, 5 triệu đồng/tháng tại các tỉnh thành khác với mức cho vay 12 lần thu nhập và được vay tới 05 năm, tuy nhiên ACB có thể cho vay tới 500 triệu đồng.


Nếu vay tiêu dùng tín chấp tại Eximbank 200 triệu đồng với mức lãi suất 15%/năm tính lãi theo dư nợ giảm dần thì nợ gốc hằng tháng anh phải trả là 8 triệu đồng/tháng nếu vay trong 2 năm.


Anh Nguyễn Mạnh Hưng, một Việt kiều Úc cho biết, ngân hàng tại Úc đều cho vay tín chấp đối với khách hàng mua nhà ở nếu có thu nhập ổn định tại cơ quan công quyền với thời hạn lên đến 25-40 năm (tùy độ tuổi của khách hàng vay), lãi suất 6%/năm cố định trong suốt thời gian vay. Mà giá nhà ở Úc gấp 8 – 9 lần thu nhập trung bình một năm (sau thuế) của người dân Úc, khoảng 400.000 – 1 triệu đô la Úc cho 100m2, tùy vị trí.


Dù so sánh là khập khiễng nhưng xu hướng cho thấy, khi xã hội ổn định và phát triển thì nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ tăng cao, nhu cầu vay tương lai xài hiện tại càng lớn.


Hiện các ngân hàng Việt cũng đang mở rộng phương thức cho vay tiêu dùng tín chấp bằng lương, nhưng mức vay hạn chế và thời gian vay tối đa cũng chỉ 5 năm, thường các ngân hàng chỉ cho vay tín chấp phổ biến 1-2 năm. Cán bộ tín dụng ngân hàng Eximbank cho biết, ngân hàng Việt vẫn quy ước khoản vay tín chấp bằng lương vẫn là rủi ro cao nhất nên thời hạn cho vay ngắn và lãi suất cho vay cao.


Và hầu hết các ngân hàng chỉ cho vay tiêu dùng đối với những khách hàng thuộc các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần thì khách hàng phải có tài khoản trả lương tại chính ngân hàng muốn vay.


Về vấn đề hạ thấp tiêu chí cho vay tín chấp, một lãnh đạo ngân hàng tại TP.HCM cho rằng phải xem xét, cân nhắc. Vì cho vay tiêu dùng tín chấp cũng rất rủi ro, ngân hàng phải xem kỹ khả năng trả nợ của khách hàng.


Hiện Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để ban hành một quy chế riêng về cho vay tiêu dùng, giúp các ngân hàng thương mại đưa ra được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.


Infonet




Ngân hàng hạ lãi suất cho vay "kích thích " vay tiêu dùng

17 thg 7, 2014

Tin bất động sản: Dễ rao bán nhà dưới 1 tỉ đồng

70% số căn hộ dưới 1 tỉ đồng ở TP HCM giao dịch thành công đều thuộc các dự án đã hoàn tất và do chủ đầu tư uy tín xây dựng.




Thời gian qua, nhiều căn hộ, đất nền có giá dưới 1 tỉ đồng được các chủ đầu tư rầm rộ rao bán. Kèm theo đó là những chính sách hỗ trợ khách hàng đến “tận răng” nhằm khơi thông thị trường bất động sản (BĐS). Các chuyên gia dự đoán từ nay đến cuối năm, phân khúc này vẫn tiếp tục sôi động.


Người dân tham quan triển lãm “Giao dịch nhà đất dưới 1 tỉ đồng” ở TP HCM Người dân tham quan triển lãm “Giao dịch nhà đất dưới 1 tỉ đồng” ở TP HCM


Rầm rộ rao bán


Tại hội chợ triển lãm “Giao dịch nhà đất dưới 1 tỉ đồng” đang diễn ra tại TP HCM, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã đưa ra các dự án giá bán từ 650 triệu đến 1 tỉ đồng. Điển hình như Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn mở bán block 2 của dự án Hưng Ngân Garden (quận 12) với mức giá từ 700 triệu đồng/căn trở lên. Diện tích căn hộ dự án này từ 53-65 m2. Đặc biệt, dự án được chủ đầu tư cam kết hỗ trợ vay vốn gói 30.000 tỉ đồng, với lãi suất 5%/năm, mức vay tối đa là 80% và thời hạn vay lên đến 15 năm. Dự án có 4 khối nhà, mỗi khối cao 22 tầng, với tổng số căn hộ đến 1.300 căn, đã xây đến tầng 10 và dự kiến bàn giao căn hộ vào quý II/2015.


Hay Công ty CP Hưng Thịnh cũng làm nóng thị trường với “Chuỗi căn hộ 8X”. Theo đó, tại triển lãm, công ty này công bố bán căn hộ dự án 8X Plus với 578 căn hộ, diện tích từ 63-83 m2, nằm ngay mặt tiền đường Trường Chinh (quận 12). Chủ đầu tư cam kết giao nhà vào quý I/2016. Trước đó, 2 dự án là 8X Đầm Sen và 8X Thái An với tổng cộng hơn 600 căn hộ của công ty này vừa công bố bán không lâu đã hết hàng. Được biết, 2 dự án này do Hưng Thịnh mua lại từ những chủ đầu tư đang khó khăn về vốn, sau đó cơ cấu lại để có giá bán phù hợp với nhu cầu phần đông các bạn trẻ 8X.


“Gãi đúng chỗ ngứa”


Đợt này, Công ty CP Đầu tư Nam Long cũng giới thiệu ra thị trường 3 dự án trọng điểm gồm: EHome 3 Tây Sài Gòn (quận Bình Tân), EHome 4 Bắc Sài Gòn (Thuận An, Bình Dương) và The Bridgeview (quận 7) với tổng cộng 650 căn hộ. Cả 3 dự án đều là những sản phẩm dành cho người có thu nhập trung bình và ổn định với mức giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn hộ. Theo lãnh đạo của Công ty Nam Long, tính từ khi triển khai các dự án EHome đến nay (2012-2014), Nam Long đã bán được 1.300 căn hộ, bàn giao 680 căn. Ngoài giá bán vừa túi tiền thì các dự án này đều có các tiện ích tốt mà quan trọng nhất là người mua căn hộ có thể dọn đến ở ngay hoặc nhận bàn giao nhà trong vòng 12 tháng, tùy theo chọn lựa phương thức thanh toán.


Các chuyên gia BĐS cho rằng khi các chủ đầu tư “gãi đúng chỗ ngứa” của khách hàng thì chắc chắn các sản phẩm sẽ được quan tâm. Ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, thừa nhận trong tổng số 3.200 căn hộ bán được trong 6 tháng đầu năm tại


TP HCM thì trong đó có đến 70% là dự án đã hoàn tất. Còn lại là nhà đang xây dựng và sẽ bàn giao trong 1-2 năm tới. Các dự án trên giấy như trước đây đã không còn được khách hàng quan tâm.


Nhiều tín hiệu tích cực


Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS- Bộ Xây dựng, cho biết thị trường nhà, đất 6 tháng đầu năm của cả nước, đặc biệt là 2 thành phố lớn, có nhiều khởi sắc. Giao dịch tăng đáng kể và giá không giảm sâu thêm. Tình hình tồn kho đã có xu hướng giảm. Tính đến ngày 20-6, tổng giá trị tồn kho là 83.000 tỉ đồng, giảm 35,4% so quý I/2013. Tỉ lệ tăng trưởng tín dụng BĐS cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành. Dư nợ vay đầu tư xây dựng khu đô thị, nhà để bán cũng tăng khá.


Theo ông Hà, sắp tới sẽ có thêm nhiều chính sách tác động tích cực đến thị trường BĐS. Trong đó, nổi bật là các hợp đồng mua nhà dưới 1 tỉ đồng được vay hỗ trợ lãi suất với thời gian kéo dài đến 15 năm. Ngân hàng (NH) Nhà nước sẽ chỉ định thêm các NH khác được tham gia thay vì trước đây chỉ có 5 NH nhằm tăng tính cạnh tranh. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang có tờ trình nghiên cứu tháo gỡ cho DN về thuế như thuế thu nhập DN, chậm nộp thuế, tiền sử dụng đất sẽ được tháo gỡ… “Thị trường BĐS có tác dụng lôi kéo các thị trường khác, vì vậy với những cú hích mới, từ nay đến cuối năm, kỳ vọng thị trường BĐS sẽ sôi động hơn” – ông Hà nói.



Tin bất động sản: Dễ rao bán nhà dưới 1 tỉ đồng