19 thg 11, 2013

Hàn Quốc: Tốt vay, dày nợ


Nền kinh tế Hàn Quốc hoạt động trên nguyên tắc như đang vỡ nợ. Có một nỗi sợ hãi còn lớn hơn cả nợ nần là sợ người khác sẽ đầu tư nhiều hơn và bạn sẽ bị bỏ lại phía sau.




Trong suốt hai thập kỷ qua, Hàn Quốc thay đổi nhanh chóng, từ một quốc gia tiết kiệm sang một quốc gia chi tiêu và vay nợ. Tỷ lệ thẻ tín dụng bình quân đầu người tại quốc gia này hiện đang cao nhất trên thế giới. Theo thống kê từ Ngân hàng Hàn Quốc, số lượng thẻ tín dụng cao gấp 5 lần dân số nước này.


Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung ở Seoul, năm 1990, người Hàn Quốc tiết kiệm trung bình 22,2% thu nhập. Đến năm 2012, con số này đã giảm xuống còn 3,4%. Tỷ lệ nợ hộ gia đình trong năm 2012 cao hơn Mỹ 160 lần trong năm 2007 trước khi bùng nổ bong bóng nhà ở nổ ra tại Hàn Quốc.


Trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ ở châu Á này đang chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ. Ước tính tài khoản cho vay thế chấp chiếm khoảng hai phần ba số nợ hộ gia đình và giá bất động sản tăng cao khiến các khoản nợ ngày càng thêm dầy. Dữ liệu của Viện McKinsey Global cho thấy, giá nhà ở Hàn Quốc cao hơn 7,7 lần so với thu nhập trung bình, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là 3,5.


Với truyền thống trọng chữ nghĩa, các khoản vay liên quan đến giáo dục chiếm một phần đáng kể các khoản nợ hộ gia đình. “Nền kinh tế Hàn Quốc hoạt động trên nguyên tắc như đang vỡ nợ. Có một nỗi sợ hãi còn lớn hơn cả nợ nần là sợ người khác sẽ đầu tư nhiều hơn và bạn sẽ bị bỏ lại phía sau”, Công ty Tư vấn Soft Landing bình luận.



Sau khủng hoảng tài chính 1997, người dân xứ kim chi tiếp cận dễ dàng các khoản vay ngân hàng. Do phải đối mặt với nền kinh tế đang suy giảm dần và thị trường xuất khẩu ngày càng thu hẹp lại, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra những chính sách kích cầu người dân chi tiêu nhiều hơn. Chẳng hạn, những ai chi 10% thu nhập hằng năm bằng thẻ tín dụng thì được giảm 20% thuế thu nhập… Với những ưu đãi về thẻ tín dụng như vậy, người dân nước này đã tỏ ra mạnh tay hơn trong việc mua sắm.


Vào giữa những năm 1990, trước khi khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, tăng trưởng thu nhập ở Hàn Quốc dao động quanh mức 6 – 7%. Sau một vài năm khó khăn, tăng trưởng thu nhập phục hồi gần bằng mức đầu những năm 2000. Nhưng ba năm qua, tăng trưởng thu nhập thực tế suy giảm, kèm theo tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thế hệ trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm…


Tại cuộc khủng hoảng thẻ tín dụng năm 2003, hàng triệu người bị vỡ nợ và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã buộc phải bơm tiền vào thị trường trái phiếu. Tuy nhiên, người dân Hàn Quốc đã quen với chi tiêu mạnh tay, không thể trong chốc lát trở nên dè sẻn.


Ngân hàng HSBC chi nhánh Hồng Kông nhận định, hiện còn sớm để dự đoán về cái kết như hồi năm 2003. Nếu nợ của hộ gia đình vẫn cao trong một thời gian dài, tất yếu sẽ làm tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Nhưng trong thời điểm hiện nay, kịch bản này còn ở xa. Hiện tại, mặc dù vay nợ chưa phải là vấn đề lớn đối với Hàn Quốc nhưng đó sẽ là một nguy cơ đối với quốc gia này nếu xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu một lần nữa.




Doanh nhân Sài Gòn




Hàn Quốc: Tốt vay, dày nợ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét