22 thg 1, 2014

Xử “đại án” Huyền Như chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng: Huyền Như xin lỗi Vietinbank, xin lỗi gia đình!

Ngày 22.1, phiên tòa tiếp tục diễn ra phần đối đáp giữa các luật sư với vị đại diện Viện kiểm sát (VKS) giữ quyền công tố tại tòa. Cuối giờ chiều cùng ngày, các bị cáo nói lời sau cùng và tòa đi vào phần nghị án. 8 giờ 30 phút sáng thứ hai (27.1) tòa tuyên án.


Vẫn “nóng” với phần đối đáp

Tại phần đối đáp, phiên tòa “nóng” lên khi ông Lê Thanh Hải – đại diện Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) – đối đáp với VKS. VKS cho rằng, ACB đã giao dịch với Huyền Như, bị Huyền Như lừa. ACB khẳng định: “Nhân viên ACB ký hợp đồng thật với Vietinbank và chuyển tiền thật vào Vietinbank. Vietinbank hạch toán tiền gửi này thành tiền huy động của Vietinbank.


Các khoản đã tất toán do chính Vietinbank trả tiền cho ACB. Hiện nay một phần tiền này vẫn đang còn trong tài khoản của nhân viên ACB tại Vietinbank. Quan hệ của nhân viên ACB là quan hệ tiền gửi theo hợp đồng với Vietinbank”. “VKS đã nhầm lẫn giữa việc giao dịch, trao đổi, thương lượng với cá nhân nào đó trước khi ký hợp đồng với pháp nhân, chủ thể giao kết hợp đồng.


Đã là pháp nhân thì khi giao dịch, làm việc đều phải thông qua một cá nhân nào đó, nhưng sau khi ký hợp đồng hợp pháp với pháp nhân thì hình thành mối quan hệ với pháp nhân. Cho dù trước khi ký hợp đồng, các nhân viên ACB làm việc với ai đi chăng nữa, thì sau khi ký hợp đồng với Vietinbank, đó cũng là mối quan hệ với Vietinbank” – ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.



“Tại phiên tòa hôm nay, tôi là cá nhân, sau khi tôi xuất trình ủy quyền, thì tôi phát biểu đại diện cho ACB. Vị đại diện VKS, sau khi có quyết định cử đại diện VKS tại phiên tòa, thì phát biểu thay mặt VKS. Trước đây, cũng như cho đến nay, Vietinbank cũng không hề thông báo cho khách hàng biết khi gửi tiền vào Vietinbank thì phải làm việc với ai. Liệu những khách đã gửi, đang gửi, sắp gửi tiền vào Vietinbank có làm việc đúng người, có gặp phải Huyền Như khác?” – ông Hải lý luận.


Tiếp phần đối đáp, ông Lê Thanh Hải đại diện ACB cho rằng: “Hợp đồng tiền gửi với ACB là hợp đồng thật, chữ ký thật, con dấu thật. Tuy nhiên, chỉ thật với ACB, không thật với Ngân hàng Công Thương, vì Công Thương không đưa ra chủ trương huy động vượt trần. Trên thực tế, Huyền Như là người trả tiền lãi cho ACB, không phải Ngân hàng Công Thương. Ngân hàng Công Thương không đưa ra chủ trương ưu đãi cho người gửi tiền theo kiểu không cần đến Ngân hàng Công Thương để giao dịch.


Chúng tôi không hiểu được ý của VKS muốn nói gì ? Hợp đồng thật nhưng lại chỉ thật với ACB mà không thật với Ngân hàng Công Thương? Tóm lại, những hợp đồng này là thật hay giả? VKS cần xác định rõ vấn đề này, kèm theo các cơ sở pháp lý, chứ không thể nêu theo kiểu hợp đồng chỉ thật một nửa, không có căn cứ pháp lý, gây hoang mang”.


Đề nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung

Tranh luận về hợp đồng thật, ông Hải tiếp: “Thật hay không thì phải căn cứ vào chữ ký thật, con dấu thật, tiền chuyển thật cho Vietinbank. Vietinbank đã từng trả gốc lãi thật, phần tiền còn lại cho đến nay vẫn là thật.


Ở đây tất cả các yếu tố đó đều thật. Dù lãi suất cao hay thấp, đúng hay sai, dù người gửi tiền có đến ngân hàng để giao dịch hay không, không phải là căn cứ để xác định tính thật giả của hợp đồng. Không thể vì lãi cao, vì không đến ngân hàng trực tiếp mà biến chữ ký thật thành giả, con dấu thật thành giả, tiền thật thành giả”.



Ông Lê Thanh Hải lý luận: “Hậu quả gây ra cho ai, nhưng nếu Vietinbank đã cho vay trái quy định của pháp luật thì Vietinbank phải chịu hậu quả chứ không thể lại đổ hậu quả đó cho người khác được. Ngay cả khi VKS xác định Huyền Như đã chiếm đoạt tiền gửi của ACB để trả nợ cho khoản vay mà Huyền Như đã vay của Vietinbank thì số tiền này cũng phải được thu hồi từ Vietinbank trả cho ACB vì đây là tài sản do phạm tội mà có”.


“Ngay trong việc vận dụng quy chế tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng Nhà nước quy định về trách nhiệm của khách hàng khi để mất thẻ tiết kiệm cũng không đúng. Vì ở đây, nhân viên ACB không được giao thẻ tiết kiệm chứ không phải đã nhận thẻ tiết kiệm rồi mà đánh mất. Không được giao thẻ tiết kiệm và đánh mất thẻ tiết kiệm là hai khái niệm rất khác nhau. Việc Vietinbank không giao thẻ tiết kiệm cho khách hàng là lỗi của Vietinbank chứ không phải là lỗi của khách hàng.


Vì vậy, không thể chuyển lỗi từ Vietinbank sang thành lỗi của khách hàng được” – ông Lê Thanh Hải lập luận. “Các tình tiết chưa được làm rõ, VKS cũng không nêu khi đối đáp. Một loạt câu hỏi đã được ACB, luật sư đặt ra vào ngày 17.1, như: Ngoài ông Phạm Công Hoàng, các nhân viên khác của ACB, Vietinbank sau khi đã trích tiền gửi của họ để thu nợ thì số tiền gửi của họ còn hay hết? Còn lại là bao nhiêu? Thời điểm trích thu là khi nào? Ai trích thu? Hiện được quản lý như thế nào?


Ai chịu trách nhiệm quản lý? Ai chi trả lãi suất? Các vấn đề này không được đề cập đến trong phần đối đáp. Do đó, ACB đề nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung. ACB khẳng định, hầu hết các câu hỏi về việc hạch toán của Vietinbank, nguồn tiền trả lãi, số dư còn lại còn hay không, do ai quản lý, việc giả chứng từ, trách nhiệm của Vietinbank đều chưa được trả lời.


Câu hỏi về trách nhiệm đối với các sai phạm tại Vietinbank cũng chưa được trả lời. Nếu có thì câu trả lời đó là, Vietinbank có nhiều sai phạm nhưng không chịu trách nhiệm gì” – ông Lê Thanh Hải nhấn mạnh.


Đến phần nói lời sau cùng, Huyền Như đã khóc nức nở: “Bị cáo xin lỗi Vietinbank, xin lỗi toàn bộ cán bộ công nhân viên Vietinbank. Bị cáo xin lỗi gia đình…”. Nói lời sau cùng, bị cáo Võ Anh Tuấn cho rằng mình bị oan ức, không đồng phạm với Huyền Như, không biết Huyền Như lừa đảo…

Đến 17 giờ 45 phút chiều 22.1, HĐXX cho biết, tòa nghị án và đúng 8 giờ 30 phút sáng thứ hai tuần tới (ngày 27.1) sẽ tuyên án.


Xử “đại án” Huyền Như chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng: Huyền Như xin lỗi Vietinbank, xin lỗi gia đình!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét