27 thg 3, 2014

Có thể đòi lại đất đã cho nếu chỉ có giấy viết tay

Nếu việc tặng cho đất giữa bố bạn và người em không thực hiện đúng thủ tục thì dù người này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất 100m2 hay chưa, bố bạn vẫn có thể khởi kiện đòi lại.



Theo khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai, “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”.


Theo bạn viết, mảnh đất của ông bà nội đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (kể cả thửa đất 100m2 bố bạn mua) nên ông bà có quyền thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng…


Tuy nhiên, trong mảnh đất của ông bà có 100m2 do bố bạn mua, sau đó để ông nội đứng tên. Do vậy, nếu bố bạn có đầy đủ căn cứ, giấy tờ hợp pháp (hợp đồng mua bán, giấy giao nhận tiền và đất ở…) để chứng minh việc nhờ ông nội đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới có thể khởi kiện để đòi lại quyền sử dụng mảnh đất 100m2 mà gia đình chú bạn đang sinh sống.


Bạn cho biết bố đã chia cho người em mảnh đất 100m2  trước khi người này lập gia đình. Theo Điều 467 Bộ luật dân sự về tặng cho bất động sản, “tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu”.


Do vậy, việc bố bạn tặng cho người em mảnh đất chỉ có hiệu lực khi việc tặng cho được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực. Nếu thực hiện theo đúng thủ tục và người này đã được sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất 100m2 này thì bố bạn không thể đòi lại được.


Nếu việc tặng cho đất giữa bố bạn và người em không thực hiện đúng thủ tục thì dù người này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất 100m2 hay chưa, bố bạn vẫn có thể khởi kiện đòi lại.


Về việc chia di sản thừa kế do ông nội để lại


Dù Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông nội bạn nhưng về nguyên tắc, thửa đất thuộc quyền sử dụng chung hợp nhất của ông bà. Do đó, khi ông nội chồng bạn mất đi thì quyền sử dụng 1/2 thửa đất trở thành di sản thừa kế của ông để lại và quyền sử dụng 1/2 thửa đất trở thành tài sản của bà nội.


Ông nội mất không để lại di chúc nên theo quy định tại Điều 675 Bộ luật Dân sự, di sản của ông nội được chia theo pháp luật.


Theo quy định tại Điều 676, “hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Theo đó, những người được hưởng di sản thừa kế của ông nội bạn gồm 4 người: bà nội chồng bạn và 3 người con (hai trai, một gái). Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.


Nếu có tranh chấp về chia di sản thừa kế do ông nội để lại thì những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất có thể khởi kiện yêu cầu tòa án cấp huyện nơi có thửa đất phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật. Lưu ý: Việc khởi kiện chỉ phân chia di sản thừa kế có thể tiến hành trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày ông nội qua đời.


Về việc bà nội lập di chúc


“Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết” (Điều 646 Bộ luật Dân sự). “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình…” (Điều 631). Theo đó, bà nội bạn có quyền lập di chúc để định đoạt phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bố bạn.


Như đã nói ở trên, 1/2 diện tích thửa đất do ông nội đứng tên thuộc quyền sử dụng của bà nội. Do vậy, bà nội bạn chỉ có quyền lập di chúc định đoạt cho bố bạn 1/2 diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của bà và phần bà được hưởng từ 1/2 diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng của ông để lại.


Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội




Có thể đòi lại đất đã cho nếu chỉ có giấy viết tay

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét